MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao BIDV dồn tiền mua lại lượng lớn trái phiếu?

08-09-2019 - 13:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) liên tiếp có kế hoạch mua lại lượng lớn trái phiếu mà chính họ phát hành trước đây.

Cụ thể, ngày 8/8 vừa qua, BIDV thông báo đã mua lại toàn bộ 3.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 phát hành đợt 1 năm 2014; và ngày 19/9 tới, họ tiếp tục mua lại 4.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành cũng trong năm đó.

Ngoại trừ trường hợp Ngân hàng Quân đội (MB) cũng vừa có kế hoạch mua lại trái phiếu đã từng phát hành (nhưng nguyên do là từ yêu cầu của trái chủ), thì những năm gần đây và đặc biệt trước làn sóng ngân hàng phát hành trái phiếu từ đầu năm 2019, kế hoạch của BIDV như “chảy ngược” và trở nên đáng chú ý.

Như VietinBank và Agribank, BIDV những năm gần đây và đến hiện nay vẫn gặp khó khăn trong cân đối vốn, nhất là thời điểm đáp ứng yêu cầu đủ vốn theo Basel II quy định tại Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước đã gần kề (từ đầu năm 2020). Theo đó, hoạt động phát hành trái phiếu kỳ hạn dài liên tục được thực hiện những năm qua, gối đầu và tiếp tục phát hành mới cho đến cả nửa cuối năm nay.

Trong điều kiện đó, BIDV không hẳn dư thừa nguồn trong cân đối vốn để mua lại lượng lớn trái phiếu nói trên.

Thứ nữa, hoạt động phát hành trái phiếu mới, cũng dài hạn, vẫn đang và sẽ tiếp tục, nên hoạt động mua lại đó có thể xem như “đảo nợ” theo các vòng quay mới.

Nguyên do quan trọng nhất và cần thiết nhất để BIDV mua lại nói trên nằm ở chi phí và kỳ hạn.

Cụ thể, trái phiếu họ phát hành năm 2014 có kỳ hạn 10 năm 01 ngày. Tại thời điểm phát hành, nó đủ điều kiện về kỳ hạn để tính vào vốn cấp 2 tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Đến nay, trái phiếu đó đã tròn 5 năm trôi qua.

Thứ hai, điểm chính yếu là chi phí, lãi suất phát hành trước đây, như lô 3.300 tỷ đồng ngày 8/8/2014 có lãi suất trả cố định 5 năm đầu lên tới 8,8%/năm. Tại thời điểm đó mức lãi suất này không hẳn quá cao, nhưng đến nay so với mặt bằng chung thì ở mức cao.

Đáng chú ý, theo điều khoản khi phát hành, sau 5 năm kể từ ngày phát hành thì mức lãi suất áp dụng cho thời hạn còn lại của trái phiếu lên tới 9,3%/năm. Như vậy, đến nay, 5 năm đã trôi qua, trái phiếu đó bắt đầu bước vào giai đoạn chịu lãi suất rất cao, chi phí lớn.

Tuy nhiên, rủi ro chi phí đó cũng đã được tiên lượng. Trong điều khoản trước đây khi phát hành có thỏa thuận BIDV có quyền mua lại toàn bộ lượng trái phiếu sau 5 năm kể từ ngày phát hành.

Và nay, như trên, thời điểm sau 5 năm đã đến, để tránh mức lãi suất phải trả cho trái phiếu cũ lên tới 9,3%/năm, họ tiến hành mua lại, đóng vị thế trước rủi ro chi phí. Mà hiện tại, trái phiếu mới phát hành chỉ phải chịu lãi suất khoảng 8,2 - 8,5%/năm mà thôi.

Liên quan, cho đến nay kết quả phát hành 15% vốn cổ phần cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc), ứng với giá trị 20.295 tỷ đồng mà BIDV thông báo ngày 22/7/2019 vẫn chưa cụ thể hóa vào mức vốn thực mới của ngân hàng.

Theo Lam Giang

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên