MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Bộ Tài chính muốn Google, Facebook mở văn phòng đại diện tại Việt Nam?

Hầu hết các công ty vận hành mạng nước ngoài không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam, gây khó khăn cho việc quản lý thuế. Bộ Tài chính muốn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị các nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

2 phương thức cung cấp dịch vụ của Google và Facebook

Bộ Tài chính cho biết, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua hai phương thức:

Phương thức 1: thông qua các đại lý tại Việt Nam. Trường hợp này, các đại lý sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam khi phát sinh doanh thu. Như vậy, việc nộp thuế lại phụ thuộc vào ý thức về nghĩa vụ thuế của các đại lý tại Việt Nam.

Phương thức 2: mua – bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Trường hợp này chưa được quy định rõ, phía mua dịch vụ sẽ bị thiệt vì không có hoá đơn nên sẽ không được tính vào chi phí hợp lý, hoặc bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hoá bằng cách mua hoá đơn của một dịch vụ khác. Như vậy, khi thanh kiểm tra thuế cũng sẽ khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.

Mặt khác, với việc thanh toán dựa vào số lần click chuột trả tiền thì việc xác định doanh thu quảng cáo của nhà mạng nước ngoài không dễ dàng vì phải đối chiếu thông tin giữa 2 ngân hàng (của người mua/người bán) tham gia thanh toán trong điều kiện họ không phải là đối tượng nộp thuế trực tiếp và ngân hàng của công ty mạng cũng ở nước ngoài. Người mua dịch vụ của các tổ chức nước ngoài là cá nhân nên khó có cơ sở đề nghị khấu trừ thuế nhà thầu của tổ chức nước ngoài khi mua dịch vụ.

Phối hợp liên bộ ngành để thu thuế thương mại điện tử

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, thông tin về những giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) luôn được Ngân hàng Nhà nước định kỳ gửi sang cơ quan thuế. Tuy nhiên, mới chỉ có những thông tin về các giao dịch thương mại điện tử lớn. Thêm vào đó, quy định thanh toán bằng thẻ quốc tế (như Visa/Master) phải thông qua những đơn vị do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, cũng chưa được thực hiện nghiêm. Do đó, cần kiểm soát được các khoản thu và có cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan thì việc thu thuế sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

Trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất 7 giải pháp:

Một là, Bộ Công thương, Bộ Thông tin truyền thông cần kết nối và chia sẻ cung cấp những thông tin về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT.

Hai là, yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia – Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước). Từ đó, cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.

Ba là, thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức của các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam và đề nghị Bộ Thông tin truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài (như Google, Facebook,...) khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Cơ quan thuế sẽ thông báo cho nhà cung cấp nước ngoài biết, đồng thời thông báo cho cơ quan thuế nước sở tại (nơi có cơ sở thường trú của tổ chức hoặc cư trú của cá nhân) biết.

Bốn là, phối hợp và trao đổi cung cấp thông tin với cơ quan thuế các nước, với các công ty cung cấp dịch vụ Internet (VDC, FPT, Mobifone, Vinaphone, Viettel…) để nắm bắt được về số lượng và giá trị giao dịch TMĐT; về việc thanh toán qua ngân hàng trong các giao dịch TMĐT...

Năm là, thông tin đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT qua mạng có hành vi trốn thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sáu là, rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, lĩnh vực thuế để tăng cường tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT cố tình trốn thuế, tránh thuế.

Bảy là, bổ sung quy định pháp luật liên quan về chính sách thu thuế đối với hàng hóa giữa các cá nhân bán hàng qua mạng như phương thức thu thuế đối với hàng hóa chuyển phát nhanh qua biên giới. Bộ Tài chính đề xuất mức thu đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 01 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế GTGT và thuế TNCN theo một tỷ lệ (%), không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 01 triệu đồng/lần. 

Trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 01 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì thực hiện thu thuế GTGT và TNCN theo quy định.

Vì sao Bộ Tài chính muốn Google, Facebook mở văn phòng đại diện tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế)

"Bộ Công thương chỉ quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên các website có tên miền Việt Nam. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử không phải trên website có tên miền Việt Nam thì không nằm trong quản lý của Bộ Công thương, mà thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Vì vậy, trong Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) lần này, chúng tôi bổ sung thêm các bộ ngành, cơ quan có liên quan trong việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử như Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an,… phối hợp thực hiện quản lý hoạt động này đảm bảo đạt hiệu quả" – Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) nói.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên