MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao các ngân hàng lớn đổ xô huy động vốn trái phiếu?

13-11-2018 - 10:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng lớn đồng loạt phát hành lượng lớn trái phiếu nhằm bảo đảm các tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
287 bài viết

Mới đây, các ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV, VietinBank và MBBank đồng loạt công bố đã hoàn tất phương án các đợt phát hành trái phiếu, trong đó chủ yếu qua hình thức riêng lẻ dưới 100 nhà đầu tư.

Cụ thể, trong tháng 10, Vietcombank đã có 3 đợt phát hành trong các ngày 23, 26 và 31 cho kỳ hạn 6 năm. Ngân hàng này đã huy động được tổng cộng 329,3 tỷ đồng thông qua việc bán gần 3,3 triệu trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng. Lãi suất trả cố định ở mức 7,475%/năm.  MBBank cũng huy động vốn trái phiếu dài hạn 5 năm và 10 năm với trị giá gần 1.388 tỷ đồng.

Trong khi đó, BIDV và VietinBank huy động lần lượt 3.450 tỷ đồng và 450 tỷ đồng ở kỳ hạn 2 năm. VIB cũng đã phát hành 2.200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 6,3%/năm.

Vì sao các ngân hàng lớn đổ xô huy động vốn trái phiếu? - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu nhằm đảm bảo an toàn tỷ lệ vốn ngân hàng (ảnh minh họa: TBKTSG)


Không phải tới tháng 10 vừa qua kênh huy động vốn này mới được chú ý đến. Thực tế, trước đó, BIDV và VPBank đã tích cực huy động vốn qua đây nên đến thời điểm hiện tại hai ngân hàng này vẫn là tổ chức phát hành nhiều giấy tờ có giá (GTCG) nhất trong hệ thống với số dư hơn 56.000 tỷ đồng. 

Theo lý giải của các chuyên gia tài chính-ngân hàng, việc nhiều ngân hàng đổ xô phát hành trái phiếu thời gian qua liên quan đến vấn đề tăng vốn cấp 2 của ngân hàng. Thông tư 41 của NHNN sẽ có hiệu lực vào năm 2020, trong khi tại nhiều ngân hàng đang thiếu vốn điều lệ.

Trong tương lai, tỷ lệ an toàn vốn sẽ rút từ 9% xuống 8%. Nếu hệ số an toàn vốn xuống dưới 8% thì ngân hàng có nguy cơ bị rơi vào vòng kiểm soát đặc biệt của NHNN, do đó rất nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu để tăng vốn chủ sở hữu cấp 2. Với vốn chủ sở hữu cấp 1 thì trái phiếu không được tính vào nhưng với vốn cấp 2, những trái phiếu từ 5 năm trở lên thì được tính. Vì vậy, nhiều ngân hàng đang tăng cường phát hành trái phiếu để tăng nguồn vốn, đáp ứng hệ số K 8% phù hợp với Thông tư 41.

Chỉ chưa đầy 2 tháng nữa, nếu kiên định thực hiện như kế hoạch, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng sẽ giảm về 40% vào 1/1/2019, từ mức 45% hiện tại. Nếu muốn tiếp tục cho vay các khoản vay dài hạn với biên lợi nhuận cao hơn, bản thân các ngân hàng cũng phải tìm được các nguồn vốn phù hợp để giảm rủi ro kỳ hạn.

Theo ông Cấn Văn Lực-chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, việc các ngân hàng phát hành trái phiếu nhằm giải quyết việc đáp ứng thanh khoản cho ngân hàng, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao. Ngoài ra, trái phiếu là những nguồn vốn trung và dài hạn hỗ trợ ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn.

Ông Lực cho rằng, động thái phát hành trái phiếu thời gian vừa rồi của các ngân hàng không tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất. Tuy rằng, lãi suất huy động, lãi suất đầu vào, lãi suất trung và dài hạn cũng có nhích lên một chút trong nhưng chỉ mang tính chất tạm thời và chỉ xảy ra tại một số ngân hàng chứ không phải tất cả.

“Đối với lãi suất đầu ra, hệ thống ngân hàng phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, có nghĩa không thể tăng lãi suất cho vay mà cơ bản giữ ổn định lãi suất cho vay. Việc tăng lãi suất đầu vào từ trung và dài hạn như vậy có ảnh hưởng đến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Vì thế, thế các ngân hàng cần có kế hoạch tiết giảm chi phí, đa dạng hóa hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu thay vì việc tăng lãi suất cho vay đầu ra”, TS.Cấn Văn Lực cho biết./.


Theo Chung Thủy

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên