MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao chi phí xuất nhập khẩu 'lên mà không xuống'?

Vì sao chi phí xuất nhập khẩu 'lên mà không xuống'?

Lý giải về nguyên nhân chi phí xuất, nhập khẩu chưa thể kéo giảm, ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, ngoài nguyên nhân do giá xăng dầu tăng, dịch bệnh… còn do chồng chéo trong quản lý, văn bản ban hành chưa sát thực tế; doanh nghiệp (DN) chưa tận dụng hết lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do.

Ngày 6/4, tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” do báo Hải quan tổ chức, nhiều DN phản ánh, gần đây các chi phí bị đẩy lên cao khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm. Không ít DN xuất khẩu chấp nhận hòa vốn, thậm chí bị lỗ để xuất khẩu hàng hóa nhằm duy trì mối quan hệ làm ăn với khách hàng.

Trong khi đó, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, dù mức giá đã khá cao, tăng vài lần so với trước khi có dịch… Chi phí xuất nhập khẩu tăng cao làm nhiều DN không đủ lực để cạnh tranh.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho rằng, giá dầu thế giới sẽ còn biến động, ảnh hưởng đến vận tải trong xuất nhập khẩu, nên DN phải chuẩn bị tinh thần để đối phó. Từ thực tế đó, DN mong muốn các ngành chức năng, nhất là ngành hải quan tiếp tục đồng hành và có những giải pháp hỗ trợ DN xuất nhập khẩu vượt khó.

Vì sao chi phí xuất nhập khẩu lên mà không xuống? - Ảnh 1.

Đại diện DN mong muốn thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán

Ông Trần Việt Huy - Trưởng ban Hải quan và thuận lợi hóa thương mại (Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam) nhận định, các ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng, logistics và nhiều khâu khác của xuất nhập khẩu sẽ còn dai dẳng, không thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn. “Mặc dù Chính phủ đã có những gói kích cầu, hỗ trợ DN rất nhiều, tuy nhiên DN vẫn mong muốn có thêm những cơ chế hỗ trợ về vốn; kéo dài hơn giai đoạn giảm thuế 8% để hỗ trợ DN” – ông Huy đề xuất.

Nhằm kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu tăng cao, ông Huy kiến nghị cần áp dụng các biện pháp thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán; nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các DN, hải quan và các cơ quan liên quan. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cần tăng cường đại chúng hóa đào tạo đại lý khai thuế hải quan; tăng cường tuyên truyền sử dụng dịch vụ của đại lý hải quan vì đây là xu hướng đã được thế giới chứng minh.

Ông Đặng Thái Thiện - Phó trưởng phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TPHCM, cho biết, cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có sản lượng hàng hóa khai thác chiếm 50% thị phần cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại cảng biển TPHCM, tốc độ tăng trưởng hàng năm 10% nhưng kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng của sản lượng hàng hóa thông qua cảng dẫn đến nguy cơ ùn tắc tại cảng Cát Lái và ảnh hưởng giao thông các khu vực lân cận cảng.

Do vậy, Cục Hải quan TPHCM có đề án “Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái”. Đề án này có mục tiêu giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và giảm 70% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng Cát Lái.

“Khi thực hiện tốt đề án này, Cục Hải quan TPHCM sẽ nâng cấp và thực hiện rộng rãi tại các cảng khác để tất cả doanh nghiệp đều được tiết giảm thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng” - ông Thiện nhấn mạnh.

Vì sao chi phí xuất nhập khẩu lên mà không xuống? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp vận chuyển hàng xuất khẩu tại cảng Cát Lái TPHCM


Liên quan đến việc cắt giảm thủ tục hành chính của ngành Hải quan giúp DN duy trì và phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Tổng cục Hải quan nhìn nhận, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa, cải cách hành chính để cắt giảm thời gian thông quan hàng hoá qua biên giới, tiết kiệm chi phí cho DN, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Cơ quan hải quan tự nhận thấy còn một số điều trong công tác thực thi thủ tục ở cơ sở chưa thống nhất, kỹ năng xử lý hồ sơ trong giải quyết thủ tục của một số cơ quan hải quan, nhân viên hải quan còn hạn chế. Từ phía các DN, kiến thức cũng như sự am hiểu về trình tự thủ tục hải quan, quy định liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn chưa nắm rõ nên dễ dẫn đến vướng mắc” - ông Tám cho biết.

“Ngành hải quan cần tiếp tục áp dụng thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán; nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các DN, hải quan và các cơ quan liên quan, trên nền tảng mạng một cửa quốc gia sẵn có và tiến tới trên nền tảng phần mềm hải quan miễn phí” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn mong muốn.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên