MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Chỉ số Công khai Ngân sách của Việt Nam đạt thấp nhưng vẫn là "đỉnh cao về minh bạch"?

15/100 điểm là kết quả của cuộc khảo sát công khai ngân sách các năm tài khóa tính đến trước 31/12/2016. Đại diện của IBP cũng cho rằng, Việt Nam có thể tăng tới 60 điểm nếu bắt đầu thực hiện nghiêm các quy định trong Luật Ngân sách nhà nước 2015. Với mức điểm đó, VN hoàn toàn nằm trong nhóm nhóm nước đạt điểm Đầy đủ (trên 61 điểm).

Việt Nam đã mất những điểm số gì?

Xếp hạng Chỉ số Công khai ngân sách (OBI) Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 15/100 và thuộc vào nhóm Ít công khai nhất (0-20/100 điểm). Số điểm này giảm nhẹ so với kết quả năm 2015, và tiếp tục xu hướng giảm sau giai đoạn (2006-2012) liên tiếp tăng điểm.

Vì sao Chỉ số Công khai Ngân sách của Việt Nam đạt thấp nhưng vẫn là đỉnh cao về minh bạch? - Ảnh 1.


Đánh giá xếp hạng của OBI dựa trên 3 trụ cột: Mức độ minh bạch, Sự tham gia của công chúng, Giám sát ngân sách. Trong đó, Việt Nam đã mất nhiều điểm ở trụ cột 1 và 2.

Về mức độ minh bạch, Việt Nam đạt 15 điểm trong khảo sát năm 2017, giảm 3 điểm so với năm 2015. Theo Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP), có 5 nguyên nhân dẫn đến sự giảm điểm này:

Thứ nhất, chưa công bố cho công chúng Dự thảo dự toán ngân sách trình Quốc hội đúng thời gian của OBI.

Thứ hai, chưa công bố cho công chúng Báo cáo kiểm toán đúng thời gian yêu cầu của OBI.

Thứ ba, thông tin trong báo cáo thực hiện ngân sách tháng/quý chưa đảm bảo đủ như các tiêu chí về nội dung của báo cáo thực hiện ngân sách.

Thứ tư, không công bố Báo cáo ngân sách dành cho công dân đúng thời gian yêu cầu trên cổng thông tin (đồng thời với thời hạn công bố Dự toán ngân sách 2017).

Thứ năm, chưa công bố Báo cáo thực hiện ngân sách giữa năm tài chính đúng hạn. Nội dung đưa ra sau đó không được IBP coi là công khai vì chưa đúng thông lệ quốc tế về báo cáo giữa kỳ.

Vì sao Chỉ số Công khai Ngân sách của Việt Nam đạt thấp nhưng vẫn là đỉnh cao về minh bạch? - Ảnh 2.


Về sự tham gia của công chúng trong quy trình ngân sách liên quan đến các cơ quan hành pháp, Việt Nam chỉ đạt 7/100 điểm, giảm mạnh so với năm 2015 (42/100 điểm). Phía IBP cho rằng, Việt Nam thiếu cơ chế và ít cơ hội để người dân tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện, kiểm toán việc thực hiện ngân sách.

Tuy nhiên, sự giảm điểm này cũng có nguyên nhân từ việc thay đổi các câu hỏi khảo sát của IBP. Để đo lường sự tham gia của công chúng, IBP đánh giá mức độ Chính phủ tạo điều kiện cho công dân tham gia ở các quy trình ngân sách liên quan đến cơ quan hành pháp, lập pháp và kiểm toán tối cao. Trong khảo sát 2017, IBP đã sửa đổi các câu hỏi theo nguyên tắc mới của Sáng kiến minh bạch ngân sách Toàn cầu. Do đó, kết quả về trụ cột sự tham gia của công chúng bị giảm mạnh so với kết quả của các vòng khảo sát OBI trước đây.

Vì sao Chỉ số Công khai Ngân sách của Việt Nam đạt thấp nhưng vẫn là đỉnh cao về minh bạch? - Ảnh 3.

Về giám sát ngân sách, sự giám sát của cơ quan lập pháp và Kiểm toán Nhà nước được đánh giá ở mức độ "Đầy đủ". Cụ thể: Việt Nam đạt 72/100 điểm đối với Giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp và 72/100 điểm đối với giám sát ngân sách của cơ quản kiểm toán tối cao. IBP cho rằng, việc Tổng Kiểm toán Nhà nước được bầu bởi Quốc hội là tiêu chí làm tăng tính độc lập của cơ quan này. Luật pháp Việt Nam cũng cho phép Kiểm toán Nhà nước đưa ra quyết định và định hướng về các hoạt động kiểm toán và được cung cấp đầy đủ nguồn lực để thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng còn nhiều điểm cần khắc phục để đạt điểm số cao hơn về trụ cột giám sát ngân sách. Theo IBP, tuy có chức năng phân tích ngân sách nhưng Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chưa có bộ phận nghiên cứu ngân sách chuyên biệt. Việt Nam cũng chưa có cơ quan độc lập khác chuyên xem xét, đánh giá lị quá trình và chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Sẽ đạt điểm số tương đương các nước G7 khi thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước 2015

Thực tế, OBI 2017 là kết quả của cuộc khảo sát công khai ngân sách các tài liệu quyết toán ngân sách, báo cáo thực hiện ngân sách và quá trình giám sát ngân sách của các năm tài khóa tính đến trước 31/12/2016 và các tài liệu dự toán ngân sách của năm tài khóa 2017.

Thời điểm khảo sát của IBP trùng đúng vào lúc Việt Nam chuẩn bị thực hiện Luật Ngân sách nhà nước mới (ban hành năm 2015). Bộ Tài chính cho biết, việc chưa có quy định công bố dự thảo ngân sách đã dẫn đến việc Việt Nam mất nhiều điểm trong trụ cột về mức độ minh bạch (trọng số 53/109 câu hỏi).

Đồng thời, Điều 16 Luật Ngân sách nhà nước 2015 cũng khắc phục những nguyên nhân khiến điểm số về sự tham gia của công chúng đạt thấp.

Vì sao Chỉ số Công khai Ngân sách của Việt Nam đạt thấp nhưng vẫn là đỉnh cao về minh bạch? - Ảnh 4.

Sự tiến bộ của Luật Ngân sách nhà nước 2015 cũng được đại diện IBP ghi nhận trong buổi công bố báo cáo Chỉ số công khai ngân sách 2017 của Việt Nam.

"Việt Nam có triển vọng ghi được 60 điểm xếp hạng về minh bạch ngân sách sau khi áp dụng Luật Ngân sách nhà nước 2015, bao gồm việc công khai Bản Dự thảo Dự toán ngân sách. Đặc biệt, hiện Việt Nam đã đạt được xếp hạng trên chuẩn về giám sát ngân sách, nhưng vẫn còn thấp trong xếp hạng về sự tham gia là cần có cơ chế và cơ hội cho người dân tham gia. Việt Nam có thể tốt hơn nữa, khi có các cơ chế đối thoại, thảo luận về ngân sách trực tiếp hơn với người dân" - ông Joel Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp của IBP phát biểu tại Hà Nội.

Mặc dù vậy, những điểm đặc thù của Việt Nam đã được nêu ra tại buổi công bố chỉ số OBI 2017. Một trong số đó là việc Việt Nam chỉ có hai kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 và tháng 10. Kỳ họp tháng 5 mới xem xét báo cáo kết quả thực hiện ngân sách 4 tháng đầu năm. Báo cáo ngân sách giữa kỳ được Quốc hội thảo luận vào tháng 10 nhưng thời điểm này đã chậm so với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này khiến Việt Nam luôn thiếu báo cáo ngân sách giữa kỳ trong nhiều kỳ khảo sát.

Vì sao Chỉ số Công khai Ngân sách của Việt Nam đạt thấp nhưng vẫn là đỉnh cao về minh bạch? - Ảnh 5.

Nhìn vào những điểm tiến bộ trong Luật Ngân sách nhà nước 2015, có thể thấy rằng, nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội là có cơ sở. Trước đó, ông Đinh Văn Nhã từng phát biểu: "quy định pháp luật về ngân sách của Việt Nam đã minh bạch ngang so với chuẩn mực quốc tế".

Nếu thực hiện tốt quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được thêm 60 điểm xếp hạng về minh bạch ngân sách theo tính toán của đại diện IBP. Khi đó, Việt Nam sẽ có đủ điểm số để thuộc nhóm "Đầy đủ", cùng với các thành viên G7 như Mỹ (77/100 điểm), Anh (74/100 điểm), Pháp (74/100 điểm), Ý (73/100 điểm), Canada (71/100 điểm), Đức (69/100 điểm).


Vì sao Chỉ số Công khai Ngân sách của Việt Nam đạt thấp nhưng vẫn là đỉnh cao về minh bạch? - Ảnh 6.

Tất nhiên, cần một khoảng thời gian để đạt được điều đó. Trong quá khứ, Việt Nam cũng mất tới gần 10 năm mới cải thiện từ điểm 3/100 (năm 2006) lên điểm 19/100 (năm 2012).

Hiện tại, truyền hình trực tiếp buổi thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước của Quốc hội (như hồi tháng 10/2017) cũng là việc hiếm có trên thế giới.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên