MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam?

GS-TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói: "Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách kinh tế và có thêm nhiều chính sách mở để thỏa mãn yêu cầu của các nhà đâu tư nước ngoài, nhất là những tập đoàn lớn".

* Tại sao vốn FDI vào Việt Nam tăng nhưng chủ yếu từ các nhà đầu tư vừa và nhỏ, thiếu các nhà đầu tư lớn, nhất là các nhà đầu tư lớn của Mỹ và EU, thưa ông?

- Đó là câu hỏi đặt ra cho các nhà làm chính sách. Nước ta vận động nhiều, các bên hứa hẹn nhiều, nhưng đầu tư của một số nước lớn như Mỹ, Đức, Pháp... vào Việt Nam chưa nhiều. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam luôn nói rằng Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1, nhưng đến nay Mỹ vẫn đứng thứ 10 trong số nước đầu tư vào Việt Nam, vậy mà không có nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân.

Gần đây, khi qua Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói bây giờ là thời cơ Mỹ làm ăn ở Việt Nam. Hay khi qua Đức, Hà Lan, Thủ tướng cũng nói về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam. Vấn đề là các tập đoàn lớn vẫn dừng lại ở bước thăm dò và e ngại.

Nước ta chưa đáp ứng được 3 yêu cầu của các tập đoàn lớn ở các nước muốn đầu tư vào Việt Nam. Một là, công khai minh bạch để chống tham nhũng. Điểm khác biệt giữa Mỹ và các nước châu Âu với các nước châu Á ở chỗ người ta rất quan tâm đến tham nhũng, sách nhiễu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khuyến cáo các nhà đầu tư không nên đầu tư vào các nước có tham nhũng phổ biến. Với Mỹ hay EU, chuyện "lót tay" hầu như không có.

Hai là, vấn đề thương hiệu, bản quyền và tình trạng hàng nhái, hàng giả. Với một thị trường nhỏ như Việt Nam, đây là vấn đề lớn.

Thứ ba, các thủ tục nhiêu khê, nhất là thời gian hoàn thành các thủ tục quá kéo dài. Các nhà đầu tư rất coi trọng yếu tố thời gian, bởi nó là thời cơ kinh doanh và tiết kiệm nhiều chi phí.

Muốn làm ăn với Mỹ và EU, Việt Nam phải cải cách nhiều thủ tục hành chính, phải có thêm chính sách mở để đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư.

* Nhưng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng mạnh trong nửa đầu năm. Ông nhận xét thế nào về điều này?

- FDI tăng mạnh do có thêm một số nhà máy nhiệt điện lớn. Mức tăng 54,8% cho thấy tăng đầu tư vào nước ta vẫn đang phát triển, nhưng cần lưu ý đến vấn đề môi trường và công nghệ khi tiếp nhận dòng vốn đầu tư vào nhiệt điện than.

Hiện nay, các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhất là sau khi có chính sách về năng lượng mặt trời, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung hơn cho mảng này. Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng đang hỗ trợ một số tập đoàn của Hàn Quốc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

* Đã có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư khá rõ rệt, từ khu vực chế biến, chế tạo, đặc biệt vào công nghệ cao của năm 2016 sang năng lượng vào nửa đầu năm nay, ông nhận xét thế nào?

- Đầu tư vào chế biến, chế tạo hay năng lượng đều rất quan trọng. Đặc biệt, thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ giúp cân bằng tỷ trọng nguồn điện. Vấn đề đáng quan tâm nhất là đầu tư vào nhiệt điện than đến mức nào là đủ.

* Theo ông, điều gì cần lưu ý khi dòng vốn FDI tăng lên?

- Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài, nhiều khả năng năm nay thu hút FDI đạt 30 tỷ USD vốn đăng ký, vốn thực hiện có thể đạt 18 - 19 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2016. Đó là tín hiệu tích cực bởi vốn thực hiện rất quan trọng, chiếm khoảng 20% tổng đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn cần lưu ý.

Thứ nhất, năm 2016, các địa phương đã rà soát, loại bỏ 30 - 40 tỷ USD, nhưng vốn đăng ký hiện nay vẫn còn quá lớn, 300 tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện chiếm khoảng 160 tỷ USD. Trong số vốn đăng ký này, chắc chắn có nhiều dự án không thực hiện được. Cho nên cần tiếp tục rà soát, loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường nặng để không gây ảo tưởng.

Thứ hai, cần có định hướng thu hút đầu tư. Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác đua nhau tạo đột phá về thu hút đầu tư, nhưng tổng số vốn trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 32 triệu USD cho 36 dự án. Do đó, quy mô dự án cũng cần được bàn đến.

* Cảm ơn ông!

Theo Hải Vân

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên