Vì sao cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ V?
Hầu hết các hiệp hội nước ngoài khi chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp mới đây đều bày tỏ sự tin tưởng vào các quyết sách của Việt Nam. Nhận định chung của các hiệp hội là nếu có những biện pháp phù hợp, nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hậu Covid-19.
- 10-05-2020Dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc: Tại sao chưa chắc Việt Nam vượt được Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ để đón sóng?
- 10-05-2020“5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế
- 10-05-2020Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi
Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao các biện pháp mà Việt Nam đưa ra để bảo vệ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19.
"Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới", ông Nicolas Audier cho biết. Theo ông, cách làm của Việt Nam đang trở thành hình mẫu chống dịch bệnh cho các quốc gia khác. Điều này giúp duy trì, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Ông cũng nhấn mạnh bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần chú ý thêm cả những khó khăn của các doanh nghiệp ngoại, bởi đây là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng khi kinh tế hồi phục.
Ông Nicolas Audier cũng gợi ý về việc Việt Nam tận dụng vị thế Chủ tịch ASEAN để kêu gọi một gói phục hồi nền kinh tế, gói hợp tác công tư trong toàn bộ ASEAN.
Ông Vũ Tú Thành, PGĐ Điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cũng đánh giá cao biện pháp chống dịch mà Việt Nam đã thực hiện.
Theo ông, các doanh nghiệp Mỹ hết sức ấn tượng với chủ trương, sự quyết đoán, quyết tâm Việt Nam. Nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN thì Việt Nam đứng hàng đầu, từ góc độ cam kết của các nhà lãnh đạo, những người ra quyết sách cao nhất – ông cho biết.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Korcham cho biết doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao việc Việt Nam luôn cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là những biện pháp phòng chống dịch giúp góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.
"Với môi trường kinh doanh ổn định, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Korcham sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp có chất lượng vào đầu tư tại Việt Nam, đảm bảo chủ trương thu hút FDI có chọn lọc theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài", ông khẳng định.
Theo đó, các doanh nghiệp Hàn sẽ hợp tác với doanh nghiệp Việt tạo mối liên kết bền vững để xây dựng chuỗi cung ứng mới, đồng thời đồng hành cùng Việt Nam khôi phục nền kinh tế.
Còn ông Funayama Tetsu, đại diện JCCI cho rằng nếu có những biện pháp phù hợp, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi theo hình "chữ V" sau khi bị hứng chịu thiệt hại do dịch bệnh gây nên.
Ông cũng cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp tăng cường thu hút đầu tư FDI nói chung và các công ty Nhật Bản nói riêng.
Dù nhìn nhận có nhiều khía cạnh lạc quan, tuy nhiên ông Funayama Tetsu cho rằng Việt Nam sẽ trải qua 1 năm đầy thách thức với mục tiêu kép: chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế. The đó, các DN Nhật mong muốn Chính phủ thường xuyên duy trì kênh đối thoại, bao gồm các góp ý chính sách giai đoạn "hậu COVID-19" theo các chủ đề để tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.