MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao công nghệ lạc hậu vẫn có cửa vào Việt Nam?

Trước nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ, việc thẩm định công nghệ trước khi nhập khẩu trở nên vô cùng cấp thiết. Thế nhưng, theo Bộ Khoa học – Công nghệ, khâu này đang bị thả lỏng trong khi Bộ này lại ít có thẩm quyền can thiệp.

Trong báo cáo tại buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt vẫn rất thấp, chưa đạt như kì vọng.

Một số lĩnh vực như nhiệt điện, xi măng, khai khoáng, mía đường, luyện thép... vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, gây tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường, hiệu quả thấp. Việc chuyển giao công nghệ mới chủ yếu dừng lại ở việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, phần lớn đã lạc hậu từ 2-3 thế hệ.

Công nghệ lạc hậu là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ cũng cho rằng, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình. Trong năm 2015, xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam chỉ đứng thứ 56/140 quốc gia, mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp đứng thứ 121/140, khả năng tiếp thu công nghệ mới đứng thứ 112/140. Việt Nam vẫn đang thiếu những công cụ pháp lý hiệu quả để có thể kiểm soát, ngăn chặn các công nghệ lạc hậu được đưa về trong nước.

Theo ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học – Công nghệ), bên cạnh một số lĩnh vực Việt Nam đạt trình độ công nghệ tiệm cận thế giới như đóng tàu, chế tạo vắc xin, công nghệ thông tin... thì một số dự án đầu tư nước ngoài, khi đi vào hoạt động cũng mang theo dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Để ngăn chặn các công nghệ lạc hậu, trong Luật Khoa học công nghệ 2013 đã quy định các dự án đầu tư đều phải thẩm định công nghệ. Khi xây dựng Luật chuyển giao công nghệ, Bộ Khoa học – Công nghệ cũng quy định những dự án nằm trong danh mục hạn chế chuyển giao công nghệ, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải thẩm định công nghệ trước khi xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, khi Luật Đầu tư 2014 được ban hành lại chỉ quy định các dự án nằm trong danh mục có công nghệ hạn chế chuyển giao mới phải thẩm định công nghệ. Khi các văn bản luật "đá" nhau, hiệu quả thực thi của chúng trở nên lỏng lẻo, các dây chuyền công nghệ lạc hậu vẫn được đưa về Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau.

Trước tình hình này, Bộ Khoa học – Công nghệ đã ban hành Thông tư 23 để thay thế cho Thông tư 20 nhằm thiết lập "rào cản" đối với công nghệ cũ, lạc hậu. Theo Thông tư này, các máy móc, dây chuyền công nghệ chỉ được nhập về Việt Nam nếu có tuổi thọ không vượt quá 10 năm tính từ ngày sản xuất đến ngày nhập khẩu.

Ngoài ra, chúng phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với các dự án đầu tư, nếu trong hồ sơ đã có danh mục thiết bị qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì được miễn áp dụng Thông tư 23. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp chỉ phải nộp kèm hồ sơ danh mục các thiết bị tại cơ quan hải quan.

Cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và cấp chứng nhận đăng ký đầu tư có thể xin ý kiến của cơ quan quản lí về khoa học công nghệ về dây chuyền công nghệ nếu thấy cần thiết chứ không bắt buộc. Sau khi nhập khẩu, doanh nghiệp không được phép bán hoặc chuyển nhượng dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cho doanh nghiệp khác hoặc dự án khác.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thọ vượt quá 10 năm nhưng doanh nghiệp cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thì có thể gửi hồ sơ về Bộ Khoa học – Công nghệ để xem xét.

Để giải quyết câu chuyện các văn bản luật “đá” nhau, ông Nam cho biết, Bộ Khoa học – Công nghệ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư để thống nhất, xây dựng nghị định hướng dẫn.

“Chúng tôi đề nghị sửa đổi các Luật liên quan để kiểm soát công nghệ được tốt hơn. Bộ Kế hoạch – Đầu tư nên bổ sung thêm nội dung giải trình công nghệ trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay vẫn chưa có nội dung này” – ông Nam nói.

Khánh Vy

Công an Nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên