Vì sao công ty chứng khoán hạ dự báo VN-Index xuống quanh 1.260 điểm?
Áp lực tỉ giá, FED còn tăng lãi suất là những yếu tố khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị hạ dự báo tăng điểm trong những tháng cuối năm 2023.
- 30-09-2023900 mã trái phiếu phải lên sàn trong 1 tháng tới?
- 30-09-2023Cá mập vừa “hô” VN-Index có thể lên 2.500 điểm: Hiệu suất đầu tư tháng 9 âm, quá nửa danh mục là cổ phiếu ngân hàng
- 30-09-2023Cổ đông một doanh nghiệp mía đường đón "tin vui": Tỷ lệ cổ tức bằng tiền từ 100% được nâng lên 150%
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 25-9 đến 29-9, thị trường chứng khoán đánh dấu tuần giảm thứ 3 liên tiếp, "bốc hơi" khoảng 100 điểm khi rơi từ vùng 1.250 điểm xuống chỉ còn 1.154 điểm khi đóng cửa phiên cuối tuần. Tính trong tuần qua, VN-Index giảm khá mạnh 3,23%.
Một điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, sau khi bán ròng mạnh 4 tuần liên tiếp, đã mua ròng trở lại với giá trị 632,2 tỉ đồng trên Hose; mua ròng trên HNX với giá trị khá đột biến 296,5 tỉ đồng. Nếu tính trong quý 3/202, thị trường chứng khoán vẫn tăng 3,03% so với quý trước, duy trì 3 quý liên tiếp phục hồi tăng điểm.
Nhận định về xu hướng tuần tới, Công ty chứng khoán SHS cho rằng trong ngắn hạn, VN-Index đang trong nhịp điều chỉnh thứ 2 khi gặp ngưỡng cản 1.250 điểm. Nhịp điều chỉnh là cần thiết tuy nhiên biên độ điều chỉnh vừa qua rộng hơn dự báo và làm suy yếu động lực tăng ngắn hạn. Thị trường cần thêm nhiều thời gian để hình thành nền tích lũy mới.
Đồ thị tuần của VN-Index
Dự báo rộng hơn cho những tháng cuối năm, báo cáo cập nhật chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán MBS vừa công bố, cho thấy đà sụt giảm của VN-Index sẽ có xu hướng chững lại và nhiều khả năng sẽ hình thành vùng cân bằng quanh mức 1.120 - 1.140 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường trong trung hạn.
Đợt điều chỉnh vừa qua đã đưa định giá VN-Index xuống mức xấp xỉ 13,5 lần P/E, thấp hơn 10% so với P/E trung bình 3 năm gần đây. Nếu đặt trong mối tương quan giữa chứng khoán và lãi suất, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương giai đoạn COVID-19, trong khi định giá thị trường hiện tại đang thấp hơn giai đoạn này 16,7%.
Định giá thị trường đang ở mức hấp dẫn so với đà giảm của lãi suất huy động
Những yếu tố rủi ro tác động đến thị trường nhà đầu tư cần quan sát, theo chuyên gia của chứng khoán MBS gồm áp lực tỉ giá và khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2023. Cân nhắc các yếu tố rủi ro từ áp lực tỉ giá và FED sẽ tăng lãi suất, chứng khoán MBS hạ dự báo VN-Index cho những tháng cuối năm từ mức 1.280 – 1.340 trước đây xuống mức 1.260 – 1.280; tương đương với 13.7 - 14 lần định giá PE năm 2023.
Nhìn về dài hạn, các công ty chứng khoán cho rằng những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường vẫn còn khi nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ phục hồi từ quý 3 năm nay nhờ sản xuất tiếp tục mở rộng, xuất khẩu thu hẹp đà giảm, trong khi dịch vụ du lịch vẫn duy trì đà tăng ổn định.
"Khi hệ thống KRX sẽ được đi vào vận hành trong năm nay tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thành thị trường mới nổi của Việt Nam. Vì vậy, định giá thị trường hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn", chứng khoán MBS nêu quan điểm.
Kể từ ngày 21-9, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hút ròng gần 90.000 tỉ đồng trên thị trường mở với phương thức đấu thầu lãi suất, lãi suất trúng thầu trung bình ở mức khá thấp 0,6% - 0,7%/năm. Động thái hút ròng liên tục này, MBS cho rằng không phải là dấu hiệu của việc đảo chiều chính sách mà là giải pháp linh hoạt nhằm đẩy lãi suất liên ngân hàng, hạn chế các hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ…
"Nếu áp lực lạm phát tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm, nhà điều hành sẽ vẫn còn công cụ hạ nhiệt tỉ giá từ dự trữ ngoại hối. "Chính sách nới lỏng, linh hoạt" sẽ vẫn còn dư địa để duy trì trong những tháng cuối năm 2023", MBS nêu.
Người Lao Động