Vì sao cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn còn hoành hành?
Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2022, số cuộc gọi phát sinh từ thuê bao rác là hơn 74 triệu cuộc gọi, tăng tới 53% so với cùng kỳ năm 2021.
- 12-08-2022Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ Đoàn, đoàn viên của trên 10.500 xã, phường
- 12-08-2022Google đồng ý nộp 60 triệu AUD tiền phạt vì đã lừa người tiêu dùng Australia
- 12-08-2022Chuyển đổi số, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp du lịch
Đáng lưu ý, số cuộc gọi rác , tin nhắn rác tăng mạnh trong bối cảnh Chính phủ đã có một nghị định riêng về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác, trong đó quy định cụ thể các biện pháp ngăn chặn như quy định cấp tên định danh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; các nhà mạng phải xây dựng, vận hành hệ thống kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác… Thậm chí, mức xử phạt đối với các cuộc gọi rác trong một số trường hợp lên tới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, tình hình có vẻ như không được cải thiện bao nhiêu.
Số cuộc gọi phát sinh từ thuê bao rác vẫn tăng mạnh
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng: ''Việc người dân sử dụng thuê bao cho tặng nhưng lại chưa chuyển sang tên của mình sẽ dẫn đến hệ luy có thể phát sinh ra các cuộc gọi rác, thậm chí là các cuộc gọi lừa đảo''.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội - nhận định: "Khi mà người ta không được định danh thì người ta dễ dàng thực hiện những hành vi trái pháp luật hơn".
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật An Vy, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - cho biết: "Quan trọng là người ta có làm thực sự hay không hay là người ta chỉ làm đối phó thôi. Vì rất dễ là cuộc gọi rác, tin nhắn rác đem lại doanh thu cho các nhà mạng. Vì vậy, một mặt người ta phải chấp hành pháp luật người ta phải ngăn chặn. Nhưng một mặt khác, nếu không quản chặt, không có chế tài thì người ta lại mắt nhắm mắt mở tận dụng để trục lợi. Và một điều nữa là chúng ta đã có công cụ để quản lý, để xử lý nhưng làm nửa vời, không đến nơi đến chốn thì cũng chỉ là đối phó thôi chứ không đi vào thực chất".
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hoành hành của các cuộc gọi rác, tin nhắn rác được chỉ ra ở trên đến từ những SIM điện thoại không chính chủ, hay còn gọi là SIM rác . Từ lâu, việc mua bán, sử dụng SIM rác đã là vấn nạn tại Việt Nam.
Mặc dù từ cuối năm 2021 đến hết quý I năm nay, đã có trên 1 triệu SIM không chính chủ đến đăng ký lại thông tin nhưng SIM rác vẫn xuất hiện trên thị trường. Và người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng mua được những chiếc SIM như vậy.
SIM điện thoại không chính chủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hoành hành của các cuộc gọi rác, tin nhắn rác
Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, khách hàng phải đến các điểm cung cấp dịch vụ, cùng giấy tờ tuỳ thân, phải chụp ảnh trực tiếp tại đây mới được cấp SIM. Tuy nhiên, quy định đã có nhung việc thực hiện vẫn chưa chặt chẽ. Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này.
Từ ngày 1/8, tất cả thuê bao mới, đăng ký lần đầu, thông tin người sử dụng sẽ được tiến hành xác thực, đối soát qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy, 1 SIM được đứng tên 1 người duy nhất và thông tin người sử dụng được đảm bảo tính chính danh. Với một số thuê bao đã được đăng ký chính chủ bằng CMND 9 số, 12 số, hiện công tác đối soát, hỗ trợ việc xác thực đang được cập nhập, hạn chế yêu cầu người dân phải thực hiện khai báo lại.
VTV