Vì sao đất nước 'hạnh phúc nhất thế giới' yêu cầu du khách nộp phí 200 USD/ngày?
Sau thời gian chống dịch Covid-19, Bhutan sẽ mở cửa trở lại cho du khách vào cuối tuần này nhưng tăng mạnh thuế lên tối thiểu 200 USD/ngày.
- 16-05-2020Câu chuyện chống Covid-19 ở Bhutan khi nằm giữa 2 nước đông dân nhất
- 04-10-2019Bhutan: Quốc gia yên bình và xanh nhất thế giới đang chết dần vì ô nhiễm?
- 13-05-2019Thủ tướng Bhutan làm bác sĩ chữa bệnh cho người dân vào cuối tuần
- 16-02-2016Chân dung vị vua 36 tuổi có bằng Oxford của 'vương quốc hạnh phúc' Bhutan
- 10-07-2013Hạnh phúc ở Bhutan
(Tổ Quốc) - Sau thời gian chống dịch Covid-19, Bhutan sẽ mở cửa trở lại cho du khách vào cuối tuần này nhưng tăng mạnh thuế lên tối thiểu 200 USD/ngày.
Khoản thuế tăng gần gấp 3 lần
Trước khi đóng cửa vào tháng 3/2020 để đối phó với đại dịch Covid-19, du khách nước ngoài đến với Bhutan, quốc gia được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới, sẽ phải trả mức phí trọn gói hàng ngày tổi thiểu từ 200 đến 250 USD tùy thuộc thời điểm trong năm. Giá này thường đã bao gồm chi phí khách sạn, ăn uống, đi lại, hướng dẫn viên du lịch cũng như phí phát triển bền vững bắt buộc trị giá 65 USD.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 6 vừa qua, Bhutan đã thông qua Dự luật Thuế suất Du lịch, trong đó loại bỏ mức phí trọn gói. Thay vào đó, họ tăng phí Phát triển bền vững Bắt buộc từ 65 USD lên 200 USD/người/ngày. Phí đi lại, khách sạn và ăn uống không nằm trong khoản chi trả này.
Raju Rai, Giám đốc điều hành của Heavenly Bhutan Travels, cho biết hiện tại, Bhutan đang giảm giá. Theo đó, họ chỉ tính phí 50% đối với trẻ từ 6-12 tuổi và miễn phí hoàn toàn cho trẻ dưới 5 tuổi.
Bhutan và những người ủng hộ chính sách mới cho biết động thái này là phù hợp với mục tiêu của đất nước là thu hút du lịch "giá trị cao, số lượng thấp". Để trải nghiệm đất nước vốn nổi tiếng là nơi cung cấp cho du khách cái nhìn chân thực hiếm thấy, khách du lịch cũng cần đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa Bhutan – Hội đồng Du lịch nước này cho biết.
Theo nhà chức trách, khoản phí này sẽ hướng tới nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động trong ngành du lịch, bảo tồn truyền thống văn hóa, bảo vệ môi trường và tạo việc làm với mức lương và điều kiện làm việc công bằng.
Sam Blyth, chủ tịch Quỹ Bhutan Canada và là người sáng lập Đường mòn xuyên Bhutan, cho biết khoản chi phí này sẽ trực tiếp đóng góp cho các cộng đồng địa phương. "Số tiền mà Chính phủ thu được sau đó sẽ được chuyển trở lại cộng đồng và hỗ trợ y tế, giáo dục – vốn miễn phí với tất cả người dân Bhutan.
Du khách được hưởng lợi?
Cũng theo Hội đồng Du lịch Bhutan, du khách cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tăng phí. Các tiêu chuẩn và chứng nhận cho các khách sạn và những công ty lữ hành cũng sẽ được sửa đổi, điều cần thiết để nâng cao trải nghiệm du lịch. Thêm vào đó, du khách sẽ linh hoạt hơn trong việc lập kế hoạch và đặt chuyến đi cho mình.
Cơ quan này đánh giá việc áp dụng gói chi phí tối tiểu trước đây có những hạn chế. Ví dụ, khách du lịch thường phải chọn các tour do các công ty lữ hành cung cấp, khiến trải nghiệm du lịch của họ bị kiểm soát. Bằng cách loại bỏ nó, khách du lịch có thể trực tiếp tham gia các trải nghiệm họ mong muốn và trả tiền cho các dịch vụ đó.
Ngoài ra, hướng dẫn viên du lịch sẽ không còn là điều kiện bắt buộc với tất cả các chuyến đi. Tuy nhiên, những du khách muốn trải nghiệm đi bộ hoặc du lịch ở những thành phố xa xôi như Thumphu và Paro thì vẫn buộc phải thuê hướng dẫn viên du lịch.
Dẫu vậy, cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau với quy định này. Một bộ phận cho rằng cách làm này giúp chọn lựa ra những du khách "tinh hoa". Tuy nhiên, số khác lại nghĩ đây là cách đóng sập cánh cửa với những người muốn trải nghiệm Bhutan với ngân sách vừa phải.
Trong khi đó, một số người cho rằng quy định này là chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại, khi đại dịch tàn phá ngành du lịch Bhutan nói riêng và toàn cầu nói chung.
Nguồn Tổng hợp
Nhịp sống Kinh tế