Vì sao ĐBSCL phải phụ thuộc vào cảng biển TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu?
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cho rằng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hiện nay không tương xứng với tiềm năng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang sở hữu. Các tỉnh, thành trong khu vực đều đang phụ thuộc vào các cảng biển tại TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu...
- 17-07-2023TP HCM đã thu hơn 2.863 tỉ đồng phí hạ tầng cảng biển
- 17-07-2023Huy động 17 tỷ USD làm 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển
- 17-07-2023Tiềm lực kinh tế của “tứ giác kinh tế” vừa có cảng hàng không vừa có cảng biển nước sâu lớn số 1 Việt Nam
Ngày 21/7, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ ) phối hợp tổ chức hội nghị “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại ĐBSCL”.
Điểm nghẽn lớn nhất về hạ tầng giao thông
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, nguyên Chủ tịch VCCI - cho biết, ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng từ lúa, thủy sản, rau quả; phát triển du lịch sinh thái, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo… được nhà đầu tư chú ý.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, ĐBSCL cũng có những thách thức, với 3 điểm nghẽn/nút thắt lớn nhất là cơ sở hạ tầng , nguồn nhân lực và thể chế. Trong đó, hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất.
Về nguồn nhân lực, vùng có nguồn nhân lực dồi dào nhưng chủ yếu di cư. Đối với nút thắt về thể chế, các vấn đề như quy hoạch, thủ tục hành chính; các dự án lớn đang gặp trở ngại, bất cập trong vận dụng những quy định, văn bản pháp luật.
“Vướng mắc pháp lý đang là trở ngại rất lớn trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng... Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay”, ông Lộc nói.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ - cho rằng, ĐBSCL cần có những chiến lược thu hút nguồn vốn đầu tư của cả doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước; tận dụng triệt để các thế mạnh vốn có. Bên cạnh nhóm ngành trọng điểm như lúa gạo, thủy sản, rau quả, ĐBSCL đang có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...
"Hạ tầng giao thông là yếu tố cản trở thu hút đầu tư vào ĐBSCL, tuy nhiên điểm nghẽn này đang được dần tháo gỡ khi có nhiều dự án được đầu tư, mở ra cơ hội. Đường cao tốc của vùng hiện chỉ chiếm 7% cả nước nhưng trong tương lai sẽ có hệ thống đường cao tốc trục ngang, trục dọc mà Chính phủ đang đầu tư với tổng vốn tính tới thời điểm này là trên 6,4 tỷ USD", ông Lam nói, đồng thời cho rằng, từ nay đến 2030, vùng ĐBSCL sẽ khá hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông.
Giải bài toán logistics
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam - dẫn chứng, hằng năm, nhu cầu vận tải hàng hóa xuất khẩu của vùng ĐBSCL lên đến vài chục triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước tính 11 tỷ USD. Tuy vậy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hiện nay không tương xứng với những tiềm năng mà khu vực này đang sở hữu.
Cụ thể, các tỉnh, thành trong khu vực đều đang phụ thuộc vào các cảng biển tại TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ có 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có kho lạnh thương mại (Long An, Hậu Giang, Cần Thơ). Mặt khác, tình trạng một số cảng biển tại TPHCM thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu bãi và thời gian chờ kéo dài...
Chi phí logistics quá cao đã trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, các địa phương cần có sự quan tâm nghiêm túc để phát triển trung tâm logistics vùng.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho biết, ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu hằng năm 17-18 triệu tấn, song hạ tầng và logistics chậm phát triển nên 70% phải chuyển tải về các cảng lớn ở miền Đông, với chi phí cao hơn 10-40%.
Theo ông Thành, ĐBSCL có lợi thế thu hút đầu tư vào 5 cụm ngành, gồm: Lúa gạo, thủy sản, rau quả, du lịch và năng lượng. Gần đây thu hút FDI có chuyển biến nhưng vẫn chưa có sự bứt phá, quy mô vốn rất nhỏ, chỉ đứng trên vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên...
Tiền phong