MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao đề xuất Tiên Lãng là sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô?

Cục Hàng không Việt Nam “bất ngờ” kiến nghị quy hoạch sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng, giai đoạn đến năm 2050.

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa cho biết, cơ quan này đã hoàn thành báo cáo thẩm định Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ GTVT và Hội đồng Thẩm định quy hoạch.

Trong đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị quy hoạch sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng, giai đoạn đến năm 2050 là sân bay thứ hai vùng Thủ đô.

Cùng với đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giữ nguyên số lượng 28 sân bay trên toàn quốc đến năm 2030 theo như quy hoạch hiện nay (quy hoạch phát triển giao thông hàng không được Chính phủ phê duyệt năm 2018), không điều chỉnh số lượng và quy mô như đề xuất của nhiều địa phương vừa qua.

Đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất cả nước có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội. Trong đó sân bay được bổ sung là Cao Bằng.

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị duy trì quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng.

Vì theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay này đã từng được quy hoạch dự bị cho sân bay Nội Bài và Cát Bi theo quyết định của Thủ tướng vào năm 2011.

Trong báo cáo thẩm định lần này, Cục Hàng không Việt Nam không đề cập sân bay thứ hai của vùng Thủ đô như đề xuất của Tư vấn nghiên cứu quy hoạch.

Theo đó, giai đoạn này cả nước sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế là: Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương và 14 cảng quốc nội là: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

“Các sân bay lớn được đầu tư tập trung để tạo vai trò đầu mối, như sân bay Long Thành giai đoạn 1 đạt công suất 25 triệu hành khách; sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 50 triệu; sân bay Nội Bài đạt 60 triệu khách; sân bay Đà Nẵng đạt 28-30 triệu khách mỗi năm”, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết.

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, đến năm 2030, các sân bay toàn quốc cần đáp ứng được sản lượng 278 triệu hành khách mỗi năm, chiếm 3-4% tổng sản lượng hành khách liên tỉnh, tăng trung bình 8,1% mỗi năm; đáp ứng sản lượng hàng hóa 4,1 triệu tấn, tăng 10% mỗi năm.

Tiên Lãng là vị trí thuận lợi để thay thế cho Cát Bi

Dù không nằm trong vùng thủ đô Hà Nội, nhưng đầu tháng 3/2021, lãnh đạo TP Hải Phòng đã đề xuất quy hoạch Tiên Lãng là sân bay thứ hai trong vùng thủ đô Hà Nội và thay thế cho Cát Bi trong tương lai do sân bay này không thể mở rộng.

Theo lãnh đạo Hải Phòng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố này đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng đường bộ, đường sắt đô thị để kết nối.

Vị trí sân bay Tiên Lãng cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km về phía đông, hiện có tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối hai thành phố.

Ngày 9/3, đại diện Bộ GTVT cho hay, UBND TP Hải Phòng đã đề xuất Bộ xem xét quy hoạch Tiên Lãng là sân bay thứ hai trong vùng thủ đô Hà Nội, trong quy hoạch cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo TP Hải Phòng cũng đề nghị Bộ GTVT nâng công suất dự kiến của sân bay Cát Bi đạt 13 triệu hành khách mỗi năm đến 2030 và 27,6 triệu đến năm 2045, để phù hợp đồ án quy hoạch chung TP Hải Phòng; bổ sung quy hoạch sân bay loại nhỏ tại đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ phục vụ du lịch và cứu hộ.

Theo lãnh đạo Hải Phòng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng đường bộ, đường sắt đô thị để kết nối.

Theo quyết định của Chính phủ năm 2016, vùng thủ đô Hà Nội bao gồm Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng 24.314,7 km2.

Vị trí sân bay Tiên Lãng cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km về phía đông, hiện có tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối hai thành phố.

Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến 2030, tầm nhìn 2050, đơn vị tư vấn xác định sân bay quốc tế thứ hai vùng thủ đô có công suất 50 triệu hành khách, nghiên cứu vị trí và xây dựng sau năm 2040; đề xuất quy hoạch sân bay Tiên Lãng để thay thế cho Cát Bi đến năm 2050 khi nơi này vượt quá công suất thiết kế.

Thời gian qua, một số địa phương đã kiến nghị bổ sung các sân bay như Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Giang, Bình Phước, Bắc Giang...vào quy hoạch.

Một số chuyên gia hàng không đã đề xuất vị trí sân bay thứ hai cho vùng thủ đô Hà Nội tại các tỉnh phía nam Hà Nội như Hải Dương, Hà Nam, Ứng Hòa (Hà Nội).

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư – Bộ GTVT, hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tư vấn nghiên cứu các đề xuất để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, đảm bảo tính hiệu quả của toàn hệ thống cảng hàng không.

“Để quy hoạch một cảng hàng không mới cần bố trí quỹ đất lớn, chi phí đầu tư xây dựng rất lớn và khả năng thu hồi vốn khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí để duy trì hoạt động một cảng hàng không hàng năm không phải là nhỏ”, ông Dũng cho biết.

Đối với các cảng hàng không của Việt Nam hiện nay, lượng hành khách thông qua cảng dưới 2 triệu hành khách mỗi năm đều đang phải bù lỗ. Do đó, các cảng hàng không mới nếu cự ly tiếp cận tới các cảng hàng không lân cận dưới 100km, theo kinh nghiệm quốc tế là hiệu quả không cao. Điều này nghĩa là xây sân bay quá gần nhau sẽ không hiệu quả.

“Do đó, việc quy hoạch sân bay sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các tiêu chí và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực trạng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, ông Dũng nói./.

Theo Phi Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên