MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao doanh nghiệp phàn nàn mãi việc phải đào tạo lại nhân sự mới ra trường?

Doanh nghiệp thường phải đào tạo lại nhân sự mới ra trường không chỉ về kỹ năng làm việc mà cả đối nhân xử thế...

Lâu nay, câu chuyện "lệch pha" giữa việc đào tạo kỹ năng của người lao động và nhu cầu của thị trường là vấn đề còn nan giải. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia đề xuất cần sớm xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu riêng về kỹ năng lao động quốc gia để giải quyết bài toàn phàn nàn chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), vấn đề "vênh" nhau giữa kỹ năng của người lao động và thị trường là thực tế đang diễn ra, điều này cũng được thể hiện qua các con số trong nhiều báo cáo nghiên cứu.

Số liệu điều tra về lao động việc làm năm 2018 cũng cho thấy là đối với lao động tốt nghiệp trình độ cao đẳng thì có đến 81% phải làm các công việc không đúng với những gì được đào tạo, tỷ lệ này ở trình độ đại học là gần 20%.

Từ thực tế trên lý giải tại sao chúng ta cần chuẩn bị để sớm có một bộ cơ sở dữ liệu về kỹ năng lao động quốc gia, mà trên thế giới nhiều nước đã làm. Ông Vinh đánh giá hiện chúng ta có những bộ cơ sở dữ liệu về vấn đề việc làm, lao động được cập nhật phân tích khá tốt và có hệ thống, song cụ thể hơn về dữ liệu để xây dựng bộ hồ sơ về kỹ năng thì chưa làm được.

"Chúng ta đã đưa ra được bức tranh chung về thị trường lao động trên bình diện quốc gia, nhưng nếu nói xác định được kỹ năng nào là cần thiết đối với thị trường, quy mô và mức độ thiếu hụt đến đâu, ngành nghề nào để người lao động đưa ra lựa chọn thì vẫn còn rất hạn chế", ông Vinh cho biết.

Nhìn nhận vấn đề thiếu hụt kỹ năng của người lao động từ chính doanh nghiệp mình, bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc điều hành Hanel PT đánh giá, lao động mới ra trường khi vào doanh nghiệp thường phải đào tạo lại hết, kể cả từ văn hóa đến đối nhân xử thế chứ đừng nói chỉ về mặt kỹ thuật.

"Nếu chưa có bộ dữ liệu về kỹ năng để định hướng ngành nghề gì thì rất khó cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng được nhân sự đáp ứng đúng yêu cầu. Doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự mới ra trường mà sử dụng được ngay rất ít, hầu hết các doanh nghiệp phải cố gắng đưa ra những chương trình đào tạo của riêng mình", bà Trang khẳng định và cho rằng, vì thế mà bản thân doanh nghiệp luôn phải chủ động đi trước sự mong đợi của khách hàng.

Mặc dù vậy, theo bà Trang thực tế đó cũng không thể nói là do các trường đào tạo nghề không tốt, nhất và với những ngành khối kỹ thuật. Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trang bày tỏ, chưa cần bàn đến việc người lao động có đáp ứng cách mạng 4.0, thậm chí những nghề mới về trí tuệ nhân tạo hay không, điều doanh nghiệp mong muốn trước mắt hiện nay chính là người lao động phải được đào tạo về năng lực đổi mới sáng tạo và tâm thế khi tham gia thị trường lao động.

Chia sẻ với những quan điểm của doanh nghiệp, song ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, doanh nghiệp phàn nàn về chất lượng nhân sự mới ra trường song nếu chính doanh nghiệp không có dự báo và không biết tương lai doanh nghiệp sẽ cần kỹ năng gì thì làm sao các cơ sở biết để tổ chức đào tạo theo nhu cầu.

Trong khi đó, dẫn số liệu điều tra của VCCI, ông Dũng cho biết có đến 53% doanh nghiệp không có dự báo về kỹ năng lao động.

Với những thực tế này, ông Dũng đồng tình với việc Việt Nam cần sớm xây dựng bộ dữ liệu về dự báo và quản lý về vấn đề kỹ năng. "Tôi biết chính Tổ chức Lao động quốc tế, Ngân hàng Thế giới đã xây dựng bộ chỉ số về kỹ năng việc làm toàn cầu với 16 chỉ tiêu, 64 chỉ số, đã có hơn 200 quốc gia sử dụng bộ chỉ số nhưng Việt Nam lại đang đứng ngoài cuộc", ông Dũng nói và cho rằng cần sớm triển khai bộ chỉ số này.

Theo Nhật Dương

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên