Vì sao doanh thu cao, bảo hiểm vẫn báo lỗ?
Vì sao doanh thu cao, bồi thường giảm nhưng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn báo cáo lỗ?
Doanh thu cao vẫn lỗ
Tổng kết hoạt động năm 2016, ngành bảo hiểm có 62 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, trong đó 13 doanh nghiệp lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đáng chú ý, theo thông tin tại hội nghị toàn ngành bảo hiểm vừa tổ chức, riêng với tỷ lệ bồi thường trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2016 chỉ chiếm 36% chi phí, giảm so với năm trước. Vậy vì sao doanh nghiệp lỗ? “Qua làm việc, họp hành với nhiều doanh nghiệp thì biết nhiều đơn vị phải đẩy chi phí lên, chi thêm ngoài như chi hoa hồng… ”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm thông tin.
Tình trạng tương tự cũng diễn lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, dù nhiều năm đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, trên 30%/năm, "Trước đây, số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ít, các nghiệp vụ khai thác cũng chưa nhiều. Nay thị trường có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ, cạnh tranh tăng lên. Thêm vào đó, việc chạy theo doanh số khiến nhiều doanh nghiệp tăng hoa hồng, thưởng cao cho đại lý, nên có tình trạng đại lý tạo doanh thu “ảo”, Cũng chính điều này đã dẫn đến tình trạng hợp đồng năm đầu cao nhưng tỷ lệ hủy hợp đồng ngay từ năm thứ 2 khá cao. Điều đó đã khiến các các công ty bảo hiểm phải siết lại kế hoạch doanh thu, hướng tới tăng trưởng ở mức chấp nhận được, nhưng bền vững hơn", vị đại diện trên lý giải.
Bộ Tài chính sẽ kiểm soát chặt hơn chi phí
Tại Hội nghị thị trường bảo hiểm năm 2017 cuối tháng 3 vừa qua, đại diện cơ quan quản lý cho hay đã nắm được vấn đề chi phí cao của các doanh nghiệp bảo hiểm nhiều năm nay. Bộ Tài chính cũng đã dần từng bước can thiệp để kiểm soát các chi phí này. Theo quy định, các doanh nghiệp phải được Bộ chấp thuận trước khi thực hiện để biết nghiệp vụ nào lỗ, nghiệp vụ nào lãi.
Ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo Minh cho biết, hiện các cổ đông của Công ty không còn quan tâm lớn đến tốc độ tăng trưởng doanh thu, mà chỉ quan tâm tới lợi nhuận và cổ tức được chia là bao nhiêu. “Chúng tôi từng có giai đoạn bùng nổ, mở nhiều chi nhánh, nhưng do thị trường không theo kỳ vọng, chúng tôi buộc siết lại, tập trung kinh doanh hiệu quả, bền vững. Năm qua, không phải doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nào cũng có lãi từ bảo hiểm, nhưng hy vọng sắp tới, mọi doanh nghiệp đều có lãi từ hoạt động lõi này”, ông Đức chia sẻ.
Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành tăng trưởng 24,7% so với năm 2015, ước đạt 87 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khối bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 31,8%, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 50.455 tỷ đồng và khối bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 16%, ước đạt 36.652 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Trước tình trạng doanh thu ảo, một lãnh đạo trong ngành chia sẻ, các doanh nghiệp bảo hiểm không còn chạy đua theo số lượng nữa mà đã tập trung vào các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực để mang lại các khoản thu có tính bền vững. Điều này càng phù hợp với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Trong năm 2016, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực ước đạt 6.459.066 hợp đồng.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng cho hay, năm nay chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn các năm, thay vào đó sẽ tập trung vào hoạt động lõi để tăng hiệu quả hoạt động và có lãi, từ đó đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu và đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định.
Năm 2017, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, toàn thị trường đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng 18,6% so với năm ngoái. Trong đó, khối bảo hiểm nhân thọ dự kiến tăng 23,4%, ước đạt 62.294,95 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, khối bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9,4%, ước đạt 40.087 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc.