MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao du lịch Thủ đô không có điểm nhấn, khách lưu trú ngắn ngày, chi tiêu ít?

Chuyên gia nhận định, có rất nhiều lý do dẫn tới hiện tượng này, nhưng quan trọng nhất là "những nhà làm du lịch của Hà Nội không coi trọng ngành du lịch".

Theo số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội, ước tính năm 2018, Hà Nội đón 26,04 triệu lượt khách du lịch, tăng 9,3% so với năm 2017, trong đó có khoảng 5,74 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 75.815 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017.

Mặc dù đạt được thắng lợi lớn trong năm 2018, song ngành du lịch của Hà Nội đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Nổi cộm nhất là vấn đề số lượng du khách quay trở lại thấp, mức chi tiêu không cao và thời gian lưu lại ngắn ngày.

Vì sao du lịch Thủ đô không có điểm nhấn, khách lưu trú ngắn ngày, chi tiêu ít? - Ảnh 1.

Ngành du lịch của Hà Nội đang đối mặt với rất nhiều thách thức.

Đây không chỉ là hạn chế của ngành du lịch Hà Nội mà đây là "căn bệnh chung" của toàn ngành du lịch. So với các nước trong khu vực, số lượng du khách quay trở lại Việt Nam đang ở mức thấp. Cụ thể, theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam khoảng 10-40%, trong khi ở Thái Lan tỷ lệ này đến 80%.

Trả lời PV VTC News, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch cho rằng, Hà Nội có nhiều cơ hội phát triển du lịch nhưng không biết tận dụng các cơ hội đó. Thậm chí, các nhà làm du lịch Hà Nội không coi trọng phát triển ngành này.

Hà Nội làm du lịch kiểu ‘ăn xổi’

- Thưa PGS.TS Phạm Trung Lương, ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển du lịch của Hà Nội và Thủ đô có lợi thế gì để phát triển ngày công nghiệp không khói này?

Qua nhiều năm nghiên cứu về du lịch, tôi được nhiều du khách phản ánh sự khác biệt của Hà Nội so với nhiều điểm đến đô thị khác. Nhiều du khách cho rằng, Hà Nội cũng có nét đáng yêu, đây là một thành phố có nhiều hồ, có nhiều điểm di tích và đặc biệt là một Thủ đô có hàng ngàn năm văn hiến. Đây là điểm lợi thế của Hà Nội, vì không có nhiều nơi trên thế giới có bề dày lịch sử như Hà Nội.

Ngoài ra, sau khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội, ngành du lịch có thêm rất nhiều di tích quan trọng như chùa Hương, chùa Thầy, Sơn Tây,...

Vì sao du lịch Thủ đô không có điểm nhấn, khách lưu trú ngắn ngày, chi tiêu ít? - Ảnh 2.

Chùa Hương - điểm du lịch quan trọng của Hà Nội.

- Hiện nay, có rất nhiều luồng ý kiến cho rằng, Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử nhưng lại thiếu điểm nhấn, du khách đến Hà Nội có mức chi tiêu thấp và ngắn ngày. Ông nhận định sao về vấn đề này?

Tôi thừa nhận rằng, khách du lịch sẵn sàng chi tiêu tại Hà Nội không được cao so với các tỉnh/thành phố khác. Bởi, ngoài di tích ra, Hà Nội chẳng có gì để khách chơi và chi tiêu cả.

Hà Nội là một trong những địa phương nhiều di tích nhất trong cả nước, trong đó có Hoàng Thành Thăng Long là di sản thế giới, tuy nhiên, Hà Nội chưa biết tận dụng hết các ưu điểm mình.

Trong đó, Hà Nội thu tiền vé vào di tích nhưng đó là chi phí rất nhỏ so với tiềm năng mà nó mang lại. Tuy nhiên, ngoài chi phí thăm quan, còn một số chi phí khác như ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú, khách sạn nhưng về cơ bản là thấp.

- Một trong những vấn nạn của du lịch Hà Nội là nạn chèo kéo, chặt chém khách du lịch...

Thực tế, vấn đề này ở Hà Nội không "nóng" như trong TP.HCM, thế nhưng hiện tượng này vẫn còn gây ức chế cho du khách.

Vì sao du lịch Thủ đô không có điểm nhấn, khách lưu trú ngắn ngày, chi tiêu ít? - Ảnh 3.

PGS.TS Phạm Trung Lương. (Ảnh: CTT tỉnh Thừa thiên Huế)

- Thời gian qua, Hà Nội cũng tận dụng sức nóng của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều để quảng bá du lịch, nhưng thành phố lại không tận dụng được ưu điểm này sau khi Hội nghị kết thúc?

Nhận định này hoàn toàn chính xác. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiền lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội xong là mọi thứ kết thúc luôn. Nói chung những nguyên thủ có nhận xét gì về sản phẩm thì phải bám theo, có chiến dịch quảng bá… nhưng chẳng ai quan tâm.

Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng đó diễn ra, rất nhiều lần nguyên thủ của nhiều nước tới Việt Nam, đơn cử như 2 cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và George W. Bush. Họ có tiếng nói, họ nổi tiếng nhưng Hà Nội chưa tận dụng hết được lợi thế này. Khi họ rời đi, Hà Nội cũng không có chiến dịch quảng bá.

Du khách mua đồ lưu niệm cũng là đồ Trung Quốc

- Vậy nguyên nhân khiến Hà Nội không thể phát triển toàn diện ngành du lịch là gì, thưa ông?

Có rất nhiều lý do dẫn tới hiện tượng này, nhưng quan trọng nhất là những nhà làm công tác quản lý du lịch của Hà Nội không coi trọng ngành du lịch.

Do những nhà làm du lịch Hà Nội không quyết tâm, coi du lịch không là gì cả mà chỉ chú trọng các ngành khác để đầu tư.

PGS.TS Phạm Trung Lương

Ngoài ra, trong bối cảnh Hà Nội giao thông thì kẹt cứng, tắc đường, môi trường cũng bụi bặm nên chẳng có lý do gì du khách chọn ở lại lâu. Phải nhìn nhận thực tế, để có những giải pháp cụ thể.

Vấn đề nữa là mua sắm, một đô thị gắn liền với mua sắm nhưng chẳng có trung tâm lưu niệm đồ Việt nào tin cậy để mua. Khách du lịch sang Việt Nam mua đồ lưu niệm thì cũng là đồ Trung Quốc.

- Theo ông, giải pháp cấp bách trong giai đoạn hiện này là gì?

Giải pháp nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển của du lịch Hà Nội, nhưng vấn đề không triển khai được. Do nhiều lý do, do những nhà làm du lịch Hà Nội không quyết tâm, coi du lịch không là gì cả mà chỉ chú trọng các ngành khác để đầu tư. Vì vậy, bản thân lãnh đạo Hà Nội phải coi du lịch là ngành quan trọng góp phần phát triển kinh tế, như vậy thì phải đầu tư.

Thêm nữa, không có thêm những khu vui chơi giải trí, không có những điểm khai thác du lịch để giữ chân khách. Ví dụ như Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, các lữ hành cũng không mấy mặn mà.

Tôi cho rằng, các đoàn lữ hành cũng cần ngồi lại với các nhà làm du lịch Hà Nội bàn bạc với nhau xem cần những sản phẩm gì để thu hút khách sau đó đưa khách đến thì hai bên cùng có lợi.

Ngoài ra, để giữ gìn bản sắc và tận dụng các làng nghề, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với các làng nghề, bàn bạc thế nào để có hàng lưu niệm cho Thủ đô, thành lập trung tâm du khách bán sản phẩm nổi tiếng thì giá cả cũng phải được niêm yết công khai, bán chất lượng… tránh nạn chặt chém khách du lịch.

Cuối cùng, ngành du lịch của Việt Nam có một chính sách rất hay là hoàn thuế VAT cho khách du lịch có quốc tịch nước ngoài. Đáng lẽ, phải hoàn thuế ngay tại chỗ, nhưng chính sách của Việt Nam là hoàn thuế tại sân bay. Đâu có nhiều du khách quan tâm tới điều này. Đây cũng là một chính sách hay nhưng cách thực hiện lại chưa phù hợp.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Việt Vũ

Trí thức trẻ

Trở lên trên