MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao EU chi bội tiền để săn lùng và tiêu hủy hàng triệu con cua lông Trung Quốc?

26-10-2024 - 13:46 PM | Tài chính quốc tế

Các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đang hợp tác với nhau để làm giảm số lượng cua lông Trung Quốc. Tại sao?

Lý do là vì loài cua lông Trung Quốc (tên khoa họa: Eriocheir sinensis) được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê là một trong "100 loài ngoại lai xâm lấn tồi tệ nhất thế giới".

Không ngẫu nhiên mà IUCN phân loại cua lông Trung Quốc thuộc nhóm 100 loài ngoại lai xâm lấn tồi tệ nhất thế giới. Có thể nói, loài cua này gần như bất diệt: Chúng ăn được hầu hết mọi thứ; có thể sống trên cạn cũng như trong nước ngọt và mặn; đặc biệt, chúng sinh sản rất nhanh và năng suất, con cái đẻ từ 250.000 - 1 triệu trứng cho mỗi lần đẻ.

IUCN miêu tả thêm: Eriocheir sinensis là loài cua di cư đã xâm chiếm châu Âu và Bắc Mỹ từ vùng bản địa châu Á của nó. Trong quá trình di cư hàng loạt, nó góp phần vào sự tuyệt chủng cục bộ tạm thời của các loài động vật không xương sống bản địa. Chúng làm thay đổi môi trường sống bằng cách gây xói mòn do hoạt động đào hang mạnh mẽ của chúng và gây thiệt hại cho ngành thủy sản cũng như nuôi trồng thủy sản hàng trăm nghìn đô la Mỹ mỗi năm do ăn mồi cũng như làm hỏng ngư cụ.

Vì sao EU chi bội tiền để săn lùng và tiêu hủy hàng triệu con cua lông Trung Quốc?- Ảnh 1.

Cận cảnh một con cua lông Trung Quốc. Ảnh: Aphotomarine

Vì sao EU chi bội tiền để săn lùng và tiêu hủy hàng triệu con cua lông Trung Quốc?- Ảnh 2.

Hình mặt dưới của cua lông Trung Quốc. Ảnh: Aphotomarine

Cua lông Trung Quốc (còn gọi là cua lông Thượng Hải) là một loài cua đào hang cỡ trung bình. Sở dĩ chúng có tên như vậy là vì cặp càng lông của chúng trông giống như những chiếc găng tay lông.

CNN bình luận, cua lông Trung Quốc là một loài động vật đáng sợ. Cơ thể màu nâu sẫm của chúng có thể phát triển lớn tới 8 cm và khi cặp càng vươn ra, kích thước cả cơ thể có thể dài tới 25 cm.

EU mất hàng chục tỷ Euro vì các loài động vật ngoại lai xâm lấn

Thật khó tin! Nhưng các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) ước tính rằng các loài ngoại lai xâm lấn đã gây thiệt hại kinh tế cho các nước thành viên lên đến 12 tỷ Euro mỗi năm. 

Website Environment của EU cho biết, các loài ngoại lai xâm lấn (IAS) là các loài động vật và thực vật được du nhập một cách vô tình hoặc cố ý vào một môi trường tự nhiên mà chúng thường không được tìm thấy, gây ra hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho môi trường mới của chúng. 

IAS là mối đe dọa lớn đối với các loài thực vật và động vật bản địa ở Châu Âu và là một trong 5 nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học. Chúng cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế (tác động kinh tế của chúng ở EU ước tính vào khoảng 12 tỷ Euro mỗi năm) cũng như sức khỏe con người, chẳng hạn như gây dị ứng nghiêm trọng và bỏng.

Vì sao EU chi bội tiền để săn lùng và tiêu hủy hàng triệu con cua lông Trung Quốc?- Ảnh 3.

Cận cảnh chiếc càng "bọc lông" của cua lông Trung Quốc. Ảnh: Aphotomarine

Đó là lý do, EU công bố Chiến lược Đa dạng sinh học đến năm 2030 nhằm cam kết quản lý các loài IAS và ngăn chặn sự lây lan của chúng. Loài cua lông Trung Quốc là một trong số đó.

Loài cua lông Trung Quốc được phát hiện lần đầu tiên ở châu Âu cách đây hơn 1 thế kỷ, tại một con sông gần Bremen, Đức. 

Theo các nhà khoa học, có khả năng chúng đã thực hiện cuộc hành trình từ châu Á bản địa của chúng trong nước dằn của tàu thuyền. Kể từ đó, quần thể cua lông Trung Quốc trên khắp lục địa châu Âu đã bùng nổ. Quần thể loài này bắt đầu tăng theo cấp số nhân, với số lượng ước tính lên tới hàng triệu con.

Ngày nay, 18 trong số 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đều báo cáo về số lượng lớn của loài này và đưa cua lông Trung Quốc vào danh sách các loài ngoại lai xâm lấn đáng lo ngại của EU.

Các tổ chức môi trường và đa dạng sinh học của EU liên tục cảnh báo những tác động tiêu cực của loài động vật ngoại lai xâm lấn cua lông Trung Quốc là: Phá vỡ chuỗi thức ăn dưới nước; truyền bệnh dịch tôm càng xanh; và làm gia tăng tình trạng xói mòn đê/bờ do chúng đào hang làm tổ.

Nhận thấy những tác hại về kinh tế, sức khỏe con người và đa dạng sinh học tại châu lục, 8 tổ chức khoa học từ 4 quốc gia EU (Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Điển) đã hợp tác để tìm ra một chiến lược ở cấp độ châu Âu nhằm giảm thiểu lâu dài và hiệu quả loài xâm lấn này. Năm 2023, giới khoa học châu Âu đồng thuận một dự án cấp châu lục do EU không ngại chi bội tiền có tên là "Clancy" (tên đầy đủ là European CLANCY project).

Clancy là câu trả lời cho sự xâm lấn ồ ạt của loài của lông Trung Quốc bằng việc tìm nhiều cách để giảm số lượng cua lông Trung Quốc, bảo vệ hệ sinh thái bản địa vốn đang bị phá hủy bởi các loài xâm lấn. để giảm số lượng cua lông Trung Quốc.

Cho đến nay, chiến lược thành công nhất là một cái bẫy (rãnh bắt cua) do Đại học Antwerp và Cơ quan Môi trường Flanders ở Bỉ phát triển. Từ năm 2018, Bỉ đã thí điểm loại bẫy này và đã bắt được 3 triệu con cua lông Trung Quốc. 

Vì sao EU chi bội tiền để săn lùng và tiêu hủy hàng triệu con cua lông Trung Quốc?- Ảnh 4.

Bẫy kim loại được lắp đặt trên lòng sông, nơi những con cua di cư rơi vào. Ảnh: Paul Van Loon/CNN

"Bẫy này của chúng tôi giống như một cái kênh kim loại mini, lắp đặt trên sông - nơi những con cua rơi vào khi đi kiếm ăn. Vì không thể bơi ra ngoài như các loài thủy sinh khác, chúng buộc phải bò dọc theo các đường ống dẫn đến các lồng ở hai bờ. Lúc này, chúng tôi sẽ thu thập và xử lý chúng" - Jonas Schoelynck, giáo sư về sinh thái học thủy sinh tại Đại học Antwerp (Bỉ) giải thích.

Một loại bẫy khác có thiết kế tương tự, độc lập với dự án của EU, đã được lắp đặt tại Anh năm 2023. 

Clancy có kế hoạch triển khai nhiều loại bẫy hơn nữa trên khắp Bỉ, Đức, Pháp và Thụy Điển trong những năm tới, sau đó nhân rộng hơn ở các nước EU khác.

Cua lông Trung Quốc xâm chiếm thành phố

Những cái bẫy sẽ nhắm vào những khu vực mà số lượng lớn cua lông Trung Quốc di cư. Vào mùa thu, cua trưởng thành di cư từ nước ngọt ra biển để đẻ trứng, và vào mùa xuân, cua non di chuyển từ biển ngược dòng sông. Chúng nhỏ bé nhưng có thể bền bỉ di chuyển qua những khoảng cách đáng kinh ngạc, xa tới 10 km một ngày, giáo sư Jonas Schoelynck cho biết, đồng thời nói thêm rằng một số con đã được nhìn thấy cách đất liền hơn 1.000 km.

Vào những khoảng thời gian kéo dài cả tháng này, chúng xuất hiện nhiều nhất, tụ tập quanh các cửa cống hoặc di chuyển trên cạn để tránh đập tràn và các chướng ngại vật khác.

Giáo sư Schoelynck, người nhớ lại hàng trăm con cua bò qua các con phố ở Lier, một thị trấn nhỏ của Bỉ nằm trên hợp lưu của hai con sông, cho biết: "Đôi khi chúng đi sai đường và kết thúc hành trình ở trung tâm thành phố". Tại đây, chúng còn có thể bò lên tường và lẻn vào phòng tắm ẩm ướt của người dân.

Các nhà khoa học châu Âu cho biết, loài cua này phát triển mạnh trong môi trường châu Âu vì nhiều lý do. Giống như hầu hết các loài xâm lấn, cua lông Trung Quốc không có kẻ thù tự nhiên, là loài kiếm ăn theo cơ hội và rất kiên cường. Nhưng biến đổi khí hậu cũng có thể đóng một vai trò, vì nước ấm hơn có thể giúp loài cua cảm thấy thoải mái hơn.

Ngoài ra còn có sự đa dạng di truyền mạnh mẽ của loài này. Các nhà khoa học ở châu Âu đã báo cáo về những con cua là giống lai giữa loài cua găng tay Trung Quốc và Nhật Bản. Nhờ đó, loài cua lai này có khả năng sống sót tốt hơn trước những thách thức. Điều này, cùng với chất lượng nước tốt hơn (trong những thập kỷ gần đây), cùng với có thể là biến đổi khí hậu, đang góp phần vào sự bùng nổ số lượng cua mới mà khắp châu lục đang chứng kiến. 

Vì sao EU chi bội tiền để săn lùng và tiêu hủy hàng triệu con cua lông Trung Quốc?- Ảnh 5.

Bỉ đã bắt được 3 triệu con cua lông Trung Quốc từ sáng kiến bẫy của mình. Ảnh: Heleen Keirsebelik/CNN

Một trong những câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp là phải làm gì với những con cua sau khi chúng đã được thu thập. 

Một nhà khoa học tại Viện Alfred Wegener (trụ sở tại Đức) và tham gia vào dự án Clancy, cho biết, các quốc gia khác nhau trong EU có các quy tắc phúc lợi động vật khác nhau. Ở Đức, các nhà khoa học chỉ được phép giết cua bằng cách luộc hoặc sử dụng dòng điện. Trong khi ở Bỉ, họ dùng biện pháp đông lạnh cua xâm lấn.

Trong khi cua lông Trung Quốc là một món ngon theo mùa ở Trung Quốc, giáo sư Jonas Schoelynck cho biết chúng có ít thịt và do đó không được ưa chuộng trên thị trường châu Âu. Ông nói thêm rằng nhiều con cua bắt được trong bẫy thường là cua con, trong khi những con được ăn ở Trung Quốc là cua trưởng thành lớn hơn. 

Các nhà khoa học thừa nhận rằng đây là một công việc đang được tiến hành, nhưng họ hy vọng rằng nỗ lực phối hợp của châu Âu sẽ giúp thu thập kiến thức và dữ liệu về loài xâm lấn này và tác động của nó, giúp hình thành một chiến lược quốc tế để kiểm soát quần thể của loài cua lông Trung Quốc.

Tham khảo: CNN, IUCN, Environment/Eu, Clancy

Theo Trang Ly

Đời sống Pháp luật

Từ Khóa:
Trở lên trên