MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao giá đắt gấp 2-3 lần dịch vụ công nhưng các bệnh viện tư như Vinmec, FV, Hoàn Mỹ, Tâm Anh, Medlatec... vẫn ngày càng phát triển tại Việt Nam?

23-04-2022 - 17:43 PM | Doanh nghiệp

Vì sao giá đắt gấp 2-3 lần dịch vụ công nhưng các bệnh viện tư như Vinmec, FV, Hoàn Mỹ, Tâm Anh, Medlatec... vẫn ngày càng phát triển tại Việt Nam?

Tiềm năng cho thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân cũng rất đáng kể do khu vực tư nhân ở Việt Nam mới chỉ đóng góp phần nhỏ vào tổng cơ sở hạ tầng y tế. Ở các nước láng giềng, khu vực tư nhân chiếm 20% - 40% số giường bệnh, trong khi ở Việt Nam con số này chỉ là dưới 13%.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng 

Trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng chi tiêu y tế trên đầu người của Việt Nam đang tăng lên đáng kể, với mức bình quân khoảng 11%/năm theo thống kê của Bộ Y tế. Theo công ty chứng khoán SSI, điều này được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính. Thứ nhất, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh, kèm theo các vấn đề sức khỏe gia tăng do tác động của ô nhiễm môi trường. Thứ hai, thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng cao và nhận thức tốt hơn của người dân về các vấn đề sức khỏe. Thứ ba, nguồn tài chính dồi dào hơn cho ngành y tế & cơ sở hạ tầng y tế được cải thiện.

Dân số trong tình trạng già hóa nhanh và ô nhiễm môi trường gia tăng thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ y tế tại Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê (GSO) và Liên hợp quốc (LHQ), dân số già (trên 60 tuổi) của Việt Nam năm 2014 đã đạt trên 10% tổng dân số. Kể từ đó, cơ cấu dân số già của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh hơn, đạt 12% tổng dân số (12 triệu người) trong năm 2021 và dự báo sẽ đạt 21% (22 triệu người) trong năm 2029, cao gấp đôi so với mức hiện tại theo một báo cáo gần đây của LHQ.

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn đề lớn ở Việt Nam, với chỉ số chất lượng không khí dao động ở mức có hại ở nhiều thành phố lớn. Điều này đã dẫn đến các trường hợp mắc các bệnh liên quan, chẳng hạn như bệnh hô hấp, ung thư và suy giảm hệ thống miễn dịch, lọt vào nhóm 10 nguyên nhân gây bệnh hàng đầu trong các năm gần đây theo Niên giám thống kê Y tế năm 2019. Với các yếu tố dân số già hóa nhanh và vấn đề ô nhiễm gia tăng, Việt Nam sẽ cần đến nhiều nhân viên y tế và các dịch vụ khám chữa bệnh trong những năm tới.

Thu nhập bình quân đầu người tăng lên và nhận thức về sức khỏe được nâng cao. Theo mục tiêu của Chính phủ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam ước tính đạt 7.500 USD/năm trong năm 2030, với tốc độ CAGR là 8%/năm theo Kế hoạch kinh tế - xã hội trong các năm tới. So với các nước có GDP bình quân đầu người tương đương, ước tính chi tiêu y tế bình quân đầu người của Việt Nam có thể đạt 305 USD/năm trong năm 2030, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 8%/năm. Cùng với chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao, người dân cũng bắt đầu quan tâm nhiều đến những dịch vụ khám sức khỏe theo yêu cầu như xét nghiệm máu, chẩn đoán bệnh nền, tư vấn chế độ ăn uống,...

 Vì sao giá đắt gấp 2-3 lần dịch vụ công nhưng các bệnh viện tư như Vinmec, FV, Hoàn Mỹ, Tâm Anh, Medlatec... vẫn ngày càng phát triển tại Việt Nam?  - Ảnh 1.

Nguồn: SSI Research.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số lượt đến bệnh viện khám chữa trung bình của mỗi người dân Việt Nam đã tăng từ 1,89 lượt/năm trong năm 2010 lên 2,95 lượt/năm trong năm 2020, đồng nghĩa với việc người dân ngày càng nâng cao nhận thức về sức khỏe và đến bệnh viện thường xuyên hơn. Cũng cần lưu ý rằng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (3,5 lượt/năm), Trung Quốc (4,9 lượt/năm) và một số nước cao đáng kể như Nhật Bản (12,2 lượt/năm). Do đó, sẽ còn rất nhiều dư địa cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong một nền kinh tế đang bùng nổ.

Nguồn tài chính cho ngành y tế dồi dào hơn từ việc gia tăng độ phủ BHYT, đồng thời cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh được cải thiện rõ rệt. Hiện đã có trên 90% dân số Việt Nam tham gia BHYT của chính phủ (BHYT công). Như vậy, tỷ trọng chi tiêu do ngân sách nhà nước tài trợ trên tổng chi tiêu y tế cả nước đã tăng lên 55% trong năm 2020 từ mức 26% trong năm 2010. Đồng thời, cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam đã có những bước cải thiện đáng kể, với số lượng bác sĩ và giường bệnh ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây và vượt nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á.

Các quy định mới trong ngành đang thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh hơn giữa bệnh viện công và bệnh viện tư 

Theo SSI, Trong những năm gần đây Chính phủ đã thúc đẩy lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh hơn, giảm các khoản hỗ trợ cho các bệnh viện công và nới lỏng các quy định trong ngành để các bệnh viện tư nhân có thể cạnh tranh sòng phẳng. Từ năm 2010 đến năm 2020, nhiều quy định quan trọng đã được đưa ra để cải cách ngành y tế được ban hành.

Ví dụ như Nghị định 85/2012/NĐ-CP, Nghị định 16/2015/NĐ-CP là những quy định quan trọng giúp cạnh tranh công tư trở nên sòng phẳng. Khi nguồn kinh phí hỗ trợ từ NSNN giảm dần, nhiều bệnh viện công sẽ gặp khó khăn để duy trì hoạt động khi đối mặt với chi phí tăng cao, trang thiết bị lạc hậu và gánh nặng đầu tư để cải tổ cơ sở vật chất. Và do đó, chỉ có một số ít bệnh viện công có khả năng hoạt động hiệu quả khi hoàn toàn tự chủ về tài chính.

Các bệnh viện tư nhân coi trọng cải thiện chất lượng hạ tầng y tế 

Trong giai đoạn 10 năm gần đây (2010 - 2020), các bệnh viện tư nhân ở Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng với cơ sở vật chất tốt hơn, dịch vụ khám chữa bệnh đa dạng và đáng tin cậy. Người dân bắt đầu đặt niềm tin vào bệnh viện tư nhân, và các tên tuổi lớn đã được khẳng định tại Việt Nam như Vinmec, Bệnh viện FV, Hoàn Mỹ, Tâm Anh, Medlatec. Ngoài ra, với thu nhập ngày càng tăng, người dân có xu hướng tìm kiếm nhiều dịch vụ cao cấp hơn bên cạnh các dịch vụ khám chữa bệnh thông thường như chăm sóc hậu phẫu, chăm sóc với điều dưỡng 24/7 và phòng bệnh riêng...

Điều này thúc đẩy các mô hình bệnh viện khách sạn và các dịch vụ VIP có giá gấp đôi hoặc gấp ba lần bình thường, giúp cho bệnh viện tư nhân có lợi thế cạnh tranh rõ rệt so với các bệnh viện công. Tiềm năng cho thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân cũng rất đáng kể do khu vực tư nhân ở Việt Nam mới chỉ đóng góp phần nhỏ vào tổng cơ sở hạ tầng y tế. Ở các nước láng giềng, khu vực tư nhân chiếm 20% - 40% số giường bệnh, trong khi ở Việt Nam con số này chỉ là dưới 13%.

 Vì sao giá đắt gấp 2-3 lần dịch vụ công nhưng các bệnh viện tư như Vinmec, FV, Hoàn Mỹ, Tâm Anh, Medlatec... vẫn ngày càng phát triển tại Việt Nam?  - Ảnh 2.

Nguồn: SSI Research.

Các bệnh viện tư nhân cũng thu hút nhân viên y tế với mức lương và phúc lợi tốt hơn và cung cấp cho bệnh nhân những kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến hơn. Lương của bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện hiện bị giới hạn bởi Thông tư 10/2015/TTLT-BYT-BNV, trong đó mức lương bình quân ở bệnh viện công là 10,8 triệu đồng/người/tháng, trong khi mức lương bình quân ở bệnh viện tư lên tới 13,2 triệu đồng/người/tháng, theo khảo sát của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam năm 2018.

Đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các nhân viên y tế chuyển sang làm tại các bệnh viện tư, nhất là sau khi các bệnh viện công bắt đầu tự chủ về tài chính và buộc phải cắt giảm ngân sách để duy trì hoạt động. Ngoài ra, kể từ khi các bệnh viện tư nhân mở rộng, nhiều công nghệ và kỹ thuật điều trị y tế tiên tiến với ngân sách đầu tư lớn như robot hỗ trợ phẫu thuật, liệu pháp tế bào gốc, xét nghiệm di truyền bắt đầu được áp dụng, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Do đó, các bệnh viện tư nhân đang dần trở nên quan trọng hơn trong ngành y tế, nên có khả năng sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi hơn từ Chính phủ trong những năm tới.

https://cafebiz.vn/vi-sao-gia-dat-gap-2-3-lan-dich-vu-cong-nhung-cac-benh-vien-tu-nhu-vinmec-fv-hoan-my-tam-anh-medlatec-van-ngay-cang-phat-trien-tai-viet-nam-20220422095601644.chn

Theo Mộc An

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên