MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao hacker có thể đánh cắp được tài khoản zalo để lừa tiền?

14-07-2022 - 09:12 AM | Kinh tế số

Tình trạng giả mạo tài khoản zalo lừa vay tiền bắt đầu xuất hiện trong năm nay

Tình trạng giả mạo tài khoản zalo lừa vay tiền bắt đầu xuất hiện trong năm nay

Đăng nhập tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng… trên một thiết bị chưa an toàn hay vào mạng internet khu vực kém bảo mật đều có nguy cơ bị “đánh cắp” thông tin cá nhân.

Nếu như việc chiếm đoạt tài khoản facebook để lừa đảo xuất hiện đã lâu thì giả mạo tài khoản zalo, viber để lừa đảo mới bắt đầu trong năm nay.

Thông tin đã lên mạng internet đều có nguy cơ bị lộ

Từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã phát hiện hơn 2.000 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó phổ biến nhất chính là đánh cắp tài khoản và mạo danh trên mạng xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng loại tội phạm này là vì tính bảo mật thông tin cá nhân tại Việt Nam chưa cao, rất dễ bị đánh cắp.

Hiện nay trên các thiết bị di động có hàng nghìn ứng dụng (app) không rõ nguồn gốc. Để sử dụng những app này người dùng phải kê khai những thông tin cá nhân như ngày sinh, chứng minh thư và vô tình thông tin cá nhân đã bị đánh cắp qua con đường này.

Không chỉ chiếm đoạt và mạo danh tài khoản mạng xã hội của các cá nhân, mà ngay cổng thông tin điện tử, website của các cơ quan nhà nước cũng bị các đối tượng mạo danh để lừa đảo.

Theo ông Vũ Quang Minh, chuyên gia an toàn thông tin, nhận thức và ý thức bảo mật thông tin cá nhân của người dân hiện nay còn rất hạn chế. Mọi người có thể dễ dàng chia sẻ thông tin cá nhân của mình lên mạng internet, đặc biệt là mạng xã hội.

Đối với vụ việc tài khoản zalo bị giả mạo, ông Minh cho biết, với bất kỳ mạng xã hội hay ứng dụng nào truy cập internet đều có nguy cơ bị giả mạo và đánh cắp thông tin.

“Nếu tài khoản zalo chỉ đăng nhập duy nhất trên điện thoại thông minh sẽ ít nguy cơ bị đánh cắp. Song hiện nay nhiều người còn vào zalo qua máy tính, laptop để phục vụ công việc. Khi đã đăng nhập vào một thiết bị mới mà thiết bị hay mạng internet chỗ đó chưa đảm bảo an toàn tốt thì vẫn có nguy cơ bị mất thông tin. Việc bị đánh cắp thông tin này không chỉ có nguy cơ ở mạng xã hội, ngay cả đối với tài khoản ngân hàng cũng có khả năng xảy ra”, ông Minh cho hay.

Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo, khi dùng mạng xã hội, ngoài thực hiện bảo mật hai lớp, cài đặt chế độ cảnh báo đăng nhập, thiết lập quyền riêng tư… cần hạn chế đưa các thông tin cá nhân của bản thân như căn cước công dân, thông tin ngân hàng, email sử dụng các giao dịch quan trọng, ngày tháng năm sinh của trẻ nhỏ… Không nên sử dụng lưu mật khẩu trên thiết bị chung; Không sử dụng wifi miễn phí để đăng nhập các thông tin quan trọng liên quan đến giao dịch cá nhân, giao dịch tài khoản ngân hàng…

Cuối cùng, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng mật khẩu mạnh khi tham gia mạng xã hội. Tuyệt đối không đặt mật khẩu đơn giản, dễ đoán hay dùng chung mật khẩu cho nhiều tài khoản mạng xã hội. Thực hiện đổi mật khẩu định kỳ cũng là biện pháp để đảm bảo an toàn. Mật khẩu mạnh có chứa kí tự hoa, thường, đặc biệt, các số và các dấu chấm câu và sử dụng một mật khẩu cho mỗi trang web./.

Theo Vân Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên