MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao hơn 800 xe BMW đắp chiếu hàng năm trời?

21-05-2018 - 08:05 AM | Thị trường

Tính cả lô xe 254 chiếc nằm lưu ở Cảng Cái Mép (CMIT) tại Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 17 tháng qua và lô xe ở Cảng Container Quốc tế Việt Nam (VICT) tại TPHCM, Tập đoàn BMW sẽ phải tái xuất toàn bộ hơn 800 xe về lại nơi sản xuất. Tuy nhiên, thật lạ, đã hơn 1 năm trôi qua, tập đoàn này vẫn chưa làm thủ tục để giải phóng lô xe sang này.

Euro Auto không hay biết lô xe 254 chiếc

Liên quan đến vụ 118 container chứa 254 xe BMW nằm lưu tại cảng CMIT hơn 1 năm trời, theo nguồn tin của PV Tiền Phong, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa đến làm thủ tục để tái xuất lô hàng trên.

Trước đó, trong công văn khẩn số 1244 gửi Tổng cục Hải quan, ông Lê Văn Thung, Cục phó Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, 118 container này đang lưu giữ tại cảng CMIT, do Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép (thuộc cục trên) quản lý.

Trong một công văn khác (công văn số 1180) báo cáo về hàng tồn đọng tại cảng, ông Thung cho biết, lô 118 container chứa xe BMW này do Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu (EAC) đứng tên chủ hàng nhập về đầu năm 2017. Tuy nhiên, từ đấy đến nay, doanh nghiệp chưa đến làm thủ tục hải quan.

Khi được hỏi về thông tin này, người từng phụ trách truyền thông của EAC nay đã chuyển sang một công ty khác cho biết, trước thời điểm công ty vướng vào lao lý, tại Việt Nam chỉ có EAC là nhà nhập khẩu chính thức của Tập đoàn BMW ở Việt Nam. Theo người này nắm được, ngoài EAC không có công ty nào khác đứng ra nhập xe BMW về Việt Nam theo diện kinh doanh thương mại, chỉ có các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ nhập lẻ 1-2 chiếc theo diện quà biếu tặng hoặc xe ngoại giao.

Hơn nữa, hầu hết xe của EAC nhập về Việt Nam qua các cảng biển ở TPHCM, chủ yếu qua cảng VICT, không nhập qua cảng CMIT của Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, khi phóng viên cho xem công văn số 1180 báo cáo về hàng tồn đọng của Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, tên chủ hàng là Cty Europe Automobiles Coporatione BMW Importer, người này xác nhận đúng là tên tiếng Anh của Cty Cổ phần ô tô Âu Châu. Thế nhưng người này vẫn cho hay: “Chúng tôi làm trong công ty mà không hề biết việc nhập lô hàng này”.

Phóng viên đã liên hệ với trợ lý dự án của BMW tại Việt Nam, tuy nhiên người này cho biết hiện không còn làm đại diện cho BMW nữa.

Trước đó, cuối năm 2016, đầu năm 2017, xảy ra sự việc  EAC tại Việt Nam bị cáo buộc buôn lậu ô tô. Ngày 30/11/2016, Bộ Tài chính đã có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Hải quan về việc ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ô tô.

Theo cơ quan điều tra của Tổng cục Hải quan, EAC đã có hành vi tự ý tiêu thụ hàng hóa (ô tô BMW nhập khẩu) khi chưa được cơ quan hải quan cho thông quan. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn cố ý không cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW (có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng; sử dụng tài liệu giả, như hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại...) để nhập khẩu ô tô BMW.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan ngừng làm thu tục nhập khẩu đối với các lô hàng ô tô BMW. Ngày 20/12/2016, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã khởi tố vụ án buôn lậu để điều tra đối với EAC. Đồng thời, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an để xử lý. C46 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với tổng giám đốc Euro Auto và các đối tượng liên quan.

Hơn 500 xe BMW nằm phơi mưa nắng nhiều năm

Sau khi EAC vướng vòng lao lý, lô hàng thuộc sở hữu của BMW AG (do EAC đứng tên chủ hàng) nhập về cảng VICT từ cuối 2016 đã bị tạm dừng thông quan. Lô xe này gồm 470 ô tô nhãn hiệu BMW, 78 ô tô nhãn hiệu MINI và 56 chiếc BMW Motorrad.

Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, chi phí lưu kho bãi của lô hàng này hơn 600 triệu đồng/tháng. Như vậy, tính từ thời điểm bị dừng thông quan là 1/12/2016 đến nay đã hơn 17 tháng, tiền phí lưu kho bãi đã lên tới trên 10 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan đã cùng Bộ Tài chính nhiều lần làm việc với Đại sứ quán của Malaysia, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Tập đoàn BMW châu Á (BMW Group Asia), Công ty Ô tô Sime Darby (Sime Darby Motors) - nhà đầu tư lớn của EAC để tìm hướng giải quyết tốt nhất đối với lô xe này.

Tuy nhiên, do Tập đoàn BMW, EAC và các doanh nghiệp đối tác của họ chưa cung cấp đầy đủ các giấy tờ hợp lệ nên chưa thể làm thủ tục để tái xuất lô xe này về lại nước Đức.

Chiều 16/5, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục phó Cục Hải quan TPHCM cho biết, lô hơn 600 xe BMW do EAC nhập về, thế nhưng doanh nghiệp này vướng lao lý nên các xe này không được làm thủ tục thông quan để bán tại Việt Nam. Sau các buổi làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam, Tập đoàn BMW đã quyết định xin tái xuất xe về Đức. Theo ông Thắng, đến nay tập đoàn này vẫn chưa đến làm thủ tục.

Khi được hỏi “Phải chăng lô xe 254 chiếc BMW ở cảng CMIT (Bà Rịa- Vũng Tàu) cũng của EAC tạm nhập qua đó để chuyển về TPHCM?”, ông Thắng cho hay, thông tin này ông không nắm được. Còn hướng xử lý tiếp theo đối với lô xe hơn 600 chiếc BMW của tập đoàn BMW đang lưu ở cảng VICT, ông Thắng cho biết: Hải quan chỉ quản lý khi doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu, tái xuất.

Trước đó, ngày 5/2/2018, Tập đoàn BMW có văn bản đề nghị được nhận lại xe ô tô và xe mô tô nhãn hiệu BMW chưa làm thủ tục hải quan và chưa nhập khẩu vào Việt Nam. Ngày 5/4/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản nêu quan điểm: Đối với toàn bộ lô ô tô và xe mô tô nhãn hiệu BMW chưa làm thủ tục hải quan (chưa đăng ký tờ khai hải quan, chưa nộp hồ sơ hải quan), không liên quan đến vụ việc vi phạm pháp luật của EAC, đề nghị Tập đoàn BMW xuất trình tài liệu chứng minh hàng hóa thuộc sở hữu của tập đoàn với chi cục hải quan nơi hàng hóa được lưu giữ, để thực hiện thủ tục tái xuất. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng có công văn chỉ đạo Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu tiếp nhận và triển khai văn bản 3954/BTC-TCHQ.

Theo Cục phó Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, sau hơn 1 tháng tiếp nhận chỉ đạo tại văn bản 3954/BTC-TCHQ, đến thời điểm này, đơn vị vẫn chưa nhận được công văn, hồ sơ nào liên quan việc doanh nghiệp xin tái xuất lô xe BMW.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục phó Cục Hải quan TPHCM cũng cho biết thêm, sau khi các lô xe của EAC nhập về bị tạm dừng thông quan, Tập đoàn BMW đã thay thế nhà nhập khẩu thương hiệu xe này ở Việt Nam bằng Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO).  THACO cũng chỉ nhập khẩu xe hoàn toàn mới từ Đức về, không tiếp quản lô xe trên của EAC. Vì vậy, Tập đoàn BMW đã quyết định xin tái xuất xe về Đức. Hiện nay, chỉ còn chờ Tập đoàn BMW xuất trình tài liệu chứng minh hàng hóa thuộc sở hữu của tập đoàn với chi cục hải quan nơi hàng hóa được lưu giữ, để thực hiện thủ tục tái xuất.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) Đàm Thanh Thế cho rằng, vụ việc buôn lậu xe BMW của EAC hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án. Để nắm thêm thông tin, đề nghị phóng viên liên hệ với đơn vị này và Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng cho rằng: "Theo thông lệ quốc tế, lô 118 container chứa 254 xe BMW ở cảng Cát Lái vẫn thuộc sở hữu của Tập đoàn BMW. Về thông tin của hãng tàu vận chuyển khai thông tin hàng hóa với cảng nhập và hải quan chủ hàng là Cty Europe Automobiles Coporatione BMW Importer, ông Hùng cho rằng, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cũng đã hướng dẫn cụ thể với Tập đoàn BMW. Theo đó, chỉ khi nào doanh nghiệp, Tập đoàn mang hồ sơ, tài liệu chứng minh thuộc quyền sở hữu của họ mới được giải quyết thủ tục hải quan để tái xuất theo quy định. Lô hàng này vẫn còn nguyên niêm phong, chưa mở kẹp chì nên hải quan không có quyền mở container để kiểm tra xem có gian lận gì hay không.



Theo Tuấn Nguyễn

Tiền phong

Trở lên trên