Vì sao khởi tố thêm tội đại gia Trầm Bê?
Trầm Bê khi là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam đã ba lần phê duyệt đồng ý cho Công ty Bình Phát của siêu lừa Dương Thanh Cường vay tổng cộng 18.000 lượng vàng SJC và hơn 267 tỷ đồng, đồng thời phê duyệt cho Sở giao dịch giải ngân trước khi hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về tài sản đảm bảo dẫn đến thiệt hại hơn 81 tỷ đồng và 9.250 lượng vàng cho ngân hàng này.
- 01-12-2018Đại gia Trầm Bê đang ở tù vẫn bị khởi tố do liên quan tới "siêu lừa" Dương Thanh Cường
- 06-08-2018Hôm nay (6/8) tuyên án vụ Phạm Công Danh, Trầm Bê
- 31-07-2018Bị cáo Trầm Bê tiếp tục không nhận sai, cho rằng bị phạt nặng
Trước đó, quá trình điều tra mở rộng vụ án Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Bình Phát và đồng phạm), cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt giam ông Trầm Bê để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị án Trầm Bê hiện đang thụ án 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong một vụ án đã xét xử.
Cùng bị khởi tố với ông Trầm Bê còn có Phan Huy Khang, nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam; Trần Quang Thắng và Phạm Trường Giang đều nguyên cán bộ tín dụng Ngân hàng Phương Nam.
Bị án Trầm Bê liên quan tới khoản vay hàng trăm tỷ đồng của Công ty cổ phần Bình Phát của siêu lừa Dương Thanh Cường (52 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh).
Bị án Dương Thanh Cường đang thi hành bản án tù chung thân về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gần 1.000 tỷ đồng của Chi nhánh 6 của một Ngân hàng. Khi đang thi hành án, vào tháng 9-2017, Dương Thanh Cường tiếp tục bị khởi tố về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”…).
Trầm Bê bị dẫn giải tại phiên tòa
Cụ thể, cuối năm 2007, Dương Thanh Cường có ý định thực hiện dự án đầu tư xây dựng căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh nên Công ty Thanh Phát (Công ty do Cường lập ra và thuê người khác làm giám đốc) đã nhận chuyển nhượng 23 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của các hộ dân.
Đồng thời, Cường chỉ đạo giám đốc Công ty Thanh Phát là Lê Văn Tuấn ký hồ sơ vay 700 tỷ đồng của Chi nhánh 6, mục đích vay để thanh toán đền bù giải toả mặt bằng của 23 hộ dân nêu trên, tài sản thế chấp là toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay là 23 QSDĐ. Đến ngày 4-12-2007, Chi nhánh 6 đã giải ngân cho Công ty Thanh Phát vay 628 tỷ đồng.
Sau khi biết dự án không được chấp thuận, tháng 4/2008, Cường ký văn bản gửi Chi nhánh 6 xin mượn 23 Giấy chứng nhận QSDĐ với lý do để trình cấp có thẩm quyền duyệt dự án, nhưng thực tế Cường và đồng phạm đã đem toàn bộ số giấy tờ đất đai này sang ngân hàng Phương Nam làm thủ tục vay tiền dưới hợp đồng tín dụng mang tên Công ty Bình Phát.
Từ tháng 4-2008 đến tháng 6-2009, Công ty Bình Phát đã ký 3 hợp đồng tín dụng để vay ngân hàng Phương Nam tổng cộng hơn 267 tỷ đồng và 18.000 lượng vàng SJC. Tính đến ngày 5-1-2010, tổng dư nợ gốc, lãi tạm tính của Công ty Bình Phát tại Ngân hàng Phương Nam là 81,7 tỷ đồng và hơn 9.205 lượng vàng SJC (tương đương 331,5 tỷ đồng).
Do không trả được nợ nên Dương Thanh Cường đã làm thủ tục gán nợ tài sản thế chấp là 23 QSDĐ cho Ngân hàng Phương Nam để trả nợ. Liên quan đến 23 QSDĐ nêu trên, tháng 12-2017, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định Giám đốc thẩm với nhận định Dương Thanh Cường đã dùng thủ đoạn gian dối để mượn lại 23 QSDĐ đang thế chấp tại Chi nhánh 6 để thế chấp vay tiền tại ngân hàng Phương Nam.
Việc toà án các cấp sơ thẩm, phúc thẩm huỷ bỏ kê biên và trả lại cho Ngân hàng Phương Nam 23 QSDĐ và các hợp đồng chuyển nhượng là sai lầm nghiêm trọng, không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Chi nhánh 6. Theo đó, Toà Giám đốc thẩm đã quyết định huỷ một phần bản án phúc thẩm, sơ thẩm nêu trên để điều tra lại…
Về hành vi của Trầm Bê và các bị can thuộc Ngân hàng Phương Nam, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định: Sở giao dịch cho Công ty Bình Phát vay khi thủ tục pháp lý dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, khả năng tài chính không đảm bảo trả nợ; nhận tài sản thế chấp là QSDĐ không công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, mặt khác 23 QSDĐ mà Công ty Thanh Phát nhận chuyển nhượng từ các hộ dân cũng chưa có hợp đồng mua bán công chứng…
Mặc dù hồ sơ vay vốn của Bình Phát không đảm bảo tính pháp lý song bị can Trầm bê và Phan Huy Khang đã ký biên bản họp Hội đồng tín dụng đồng ý phê duyệt cho Công ty Bình Phát vay cả 3 lần. Ngoài ra, ông Trầm Bê còn phê duyệt cho Sở giao dịch giải ngân cho Công ty Bình Phát trước khi hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về tài sản đảm bảo.
Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, thiệt hại do hành vi của các bị can gây ra tổng dư nợ gốc, lãi Công ty Bình Phát nợ Ngân hàng Phương Nam đến ngày 5-1-2010, là 81,7 tỷ đồng và 9.205 lượng vàng SJC.
Công an nhân dân