MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao không chỉ người Việt mà khắp Đông Nam Á đều lùng sục hàng 'second hand' của Nhật Bản?

07-07-2017 - 09:35 AM | Tài chính quốc tế

Số liệu của hãng PrivCo cho thấy ngành kinh doanh quần áo cũ hiện có tổng giá trị 18 tỷ USD và có thể tăng trưởng 11% mỗi năm, qua đó đạt 33 tỷ USD vào năm 2021.

Bookoff Corp là một công ty khá có tiếng tại Nhật Bản, nhất là trong giới đồ cũ khi đã thành lập đến 832 cửa hàng đồ cũ trên toàn quốc. Thậm chí, công ty này còn mở rộng sang các thị trường Châu Á khác như chuỗi cửa hàng “Jalan Jalan Japan” tại Malaysia.

Câu chuyện của Bookoff Corp không hề cá biệt tại Nhật Bản. Số liệu của JRBJ cho thấy hơn 20 công ty của nước này đã mở ít nhất 62 cửa hàng mỗi doanh nghiệp tại 8 nước Đông Nam Á trong những năm gần đây để kinh doanh đồ cũ. Những cửa hàng này nhập khẩu gần 1 tỷ USD đồ cũ từ Nhật Bản để kinh doanh tại các nước khác. Đây là chưa kể một lượng lớn hàng second hand vận chuyển theo đường tiểu ngạch.

Rõ ràng, dù không bao giờ có thể thay thế được những ngành kinh doanh sản phẩm mới nhưng chất lượng Nhật Bản đã khiến ngành đồ cũ tại các thị trường Châu Á tăng trưởng mạnh trở thành một thị trường hàng tỷ USD.

Trên thực tế, danh tiếng của những món hàng cũ chất lượng cao như sản phẩm từ Nhật Bản đã bị ảnh hưởng trong những năm gần đây do các cuộc cách mạng công nghệ làm gia tăng năng suất, chu kỳ tiêu thụ sản phẩm bị rút ngắn cũng như sự thay đổi chóng mặt của ngành thời trang.

Vào thập niên 1950, ngành second hand của Nhật Bản bị ảnh hưởng dữ dội khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, khiến người dân chuộng các mặt hàng mới hơn là đồ cũ. Đến khi thị trường xì hơi, người dân Nhật lại quay trở lại những tiệm bán đồ cũ nhằm tiết kiệm chi tiêu.

Chính điều này đã khiến những cửa hàng của Bookoff mở rộng và nâng cấp nhanh chóng, trở thành những cửa hiệu thời thượng không khác gì Walmart, Uniqlo… Hiện nay, ngành kinh doanh đồ cũ chiếm khoảng 4,36% tổng doanh số thị trường bán lẻ toàn quốc. Riêng trong mảng hàng xa xỉ, những món đồ cũ chiếm khoảng 10% tổng doanh số.

Năm 2015, Bookoff mua khoảng 489 triệu sản phẩm cũ từ người dân và bán ra khoảng 331 triệu trong số đó. Việc dân số Nhật Bản lão hóa nhanh chóng đang khiến nguồn cung của thị trường này ngày một lớn trong khi nhu cầu lại đi xuống. Bởi vậy, xu thế mở rộng ra thị trường nước ngoài với danh tiếng chất lượng Nhật Bản đang là hướng đi mới của nhiều công ty trong ngành hiện nay.

Đông Nam Á dường như là một lựa chọn lý tưởng cho các hãng kinh doanh đồ cũ Nhật Bản khi nền văn hóa không quá cách biệt cũng như danh tiếng vốn có của hàng Nhật tại những thị trường này. Với sự tăng trưởng ngày càng nhiều của tầng lớp trung lưu tại đây, nhu cầu đối với hàng cũ Nhật chắc chắn sẽ còn tăng tại Đông Nam Á.

Thậm chí khảo sát tại Singapore cho thấy dù có mức thu nhập 85.000 USD/người nhưng hơn 80% người dân nước này đã từng mua đồ second hand và 76% cho biết đã bán lại những món đồ mà họ không còn dùng đến.

Tại Malaysia, bình quân mỗi cửa hàng của Bookoff bán ra 15.000 sản phẩm quần áo nữ mỗi tháng trong khi khoảng 25% doanh số của cửa hàng đến từ các vật dụng trẻ em. Mặc dù rất nhiều sản phẩm trong số đó được sản xuất tại Trung Quốc nhưng chúng đã được qua sử dụng tại Nhật Bản và đối với khách hàng Malaysia thì như vậy đã là đủ tốt.

Tất nhiên, nói đến hàng cũ Nhật Bản thì không thể không nói đến những mặt hàng điện tử cũ nhập lậu từ Nhật Bản về các thị trường Đông Nam Á để kinh doanh. Ngày 15/6, chi cục hải quan cảng Sài Gòn phát hiện 3 container với 600 máy lạnh cũ từ Nhật Bản nhưng khai báo là ván gỗ. Ngày 4/7, Đội kiểm soát Hải quan chi cục TP.HCM đã phát hiện 2 container chứa 150 tủ lạnh cũ nhập vào cảng Cát Lái.

Rõ ràng, tiềm năng kinh doanh những mặt hàng đồ cũ của Nhật là rất lớn tại các thị trường Đông Nam Á và chính nhu cầu lớn đã kích thích nhiều hoạt động lậu, gây khó khăn cho các nhà quản lý.

Ngành xe hơi cũ của Nhật Bản cũng không chịu kém cạnh với khoảng 1,6 triệu chiếc ô tô cũ đã được xuất khẩu năm 2006 đến hàng loạt các thị trường như Anh, Mỹ, Thái Lan, Singapore, Nga...

Ngành kinh doanh trị giá 33 tỷ USD

Nói đến ngành công nghiệp đồ cũ thì không thể không nói đến mảng thời trang secondhand. Ngay từ giữa thế kỷ 19, việc mua bán quần áo cũ đã là hoạt động quan trọng trong nền kinh tế nhiều nước bởi tình trạng thiếu nguồn cung. Chỉ đến khi cuộc cách mạng công nghiệp làm tăng năng suất, mảng buôn bán quần áo cũ mới mất đi vị thế hoàng kim của mình.

Trong thời kỳ thực dân khi các cường quốc Phương Tây xâm chiếm nhiều thuộc địa, ngành kinh doanh quần áo cũ lại trỗi dậy khi thị trường Châu Âu thải loại hàng loạt sản phẩm đã sử dụng cho các thị trường thuộc địa.

Đến thời kỳ Thế chiến II, hàng second hand tiếp tục được sử dụng nhiều do tình hình sản xuất bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Ngày nay, dù vị thế của ngành quần áo cũ đã không còn như xưa nhưng sự phát triển của thương mại điện tử cũng như ý thức về môi trường, sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu tại các nước mới nổi đang khiến mảng kinh doanh này tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Trong khoảng thập niên 1960-1970, những tổ chức từ thiện là những đoàn thể thống trị thị trường quần áo second hand nhưng đến thập niên 1980, các công ty như Bookoff bắt đầu xâm lấn mạnh mẽ và làm chủ thị trường này. Đặc biệt, nhiều công ty thậm chí chuyên kinh doanh những mặt hàng second hand xa xỉ nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hàng cao cấp của một bộ phận người dân không có đủ tài chính.

Thị trường nhập khẩu chính những bộ quần áo cũ hiện nay là Châu Phi và Nam Á. Trong khoảng 1991-2004, doanh số của các mặt hàng second hand tại Châu Phi đã tăng 100%. Hiện các nước Châu Phi cận sa mạc Sahara là những quốc gia nhập khẩu nhiều quần áo cũ nhất với 25% tổng số trên toàn cầu. Những nước xuất khẩu nhiều đồ cũ nhất hiện nay là Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản.

Số liệu của hãng PrivCo cho thấy ngành kinh doanh quần áo cũ hiện có tổng giá trị 18 tỷ USD và có thể tăng trưởng 11% mỗi năm, qua đó đạt 33 tỷ USD vào năm 2021. Nếu tính riêng trong mảng bán quần áo cũ trực tuyến, tốc độ tăng trưởng thậm chí đạt 35%.

Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này là do các sản phẩm đồ cũ chất lượng khá ổn có mức giá rẻ hơn những mặt hàng mới. Báo cáo của hãng tư vấn Millward Brown cho thấy top 10 thương hiệu hàng xa xỉ như Prada, Gucci… đã mất 6% giá trị thương hiệu, tương đương 7 tỷ USD năm 2015 do ảnh hưởng một phần từ thị trường quần áo cũ.

Theo BT

Thời Đại

Trở lên trên