Vì sao lúa gạo lên giá ngay đầu vụ?
Nhiều thương lái than, dù tiền bỏ cọc mua lúa tăng từ 200 lên 500 ngàn đồng/công, lúa chín chưa gặt nhưng nông dân vẫn hoàn trả lại tiền và ra giá bán cao hơn.
- 11-02-2017Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá cao so với trước Tết
- 14-09-2016Giá lúa vẫn đà giảm
- 01-07-2016Giá lúa tăng trở lại
Liên tiếp mấy ngày qua, tại các chợ lúa gạo hay các cụm công nghiệp xay xát lúa ĐX chín sớm giá lúa lên cơn sốt nhẹ. Nhiều thương lái than, dù tiền bỏ cọc mua lúa tăng từ 200 lên 500 ngàn đồng/công, lúa chín chưa gặt nhưng nông dân vẫn hoàn trả lại tiền và ra giá bán cao hơn.
Nông dân thu hoạch lúa ĐX ở Cần Thơ
Anh Kiệt, một chủ DN xay xát thu mua lúa gạo tại khu vực bờ Bắc sông Hậu, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long nói: Hơn một tuần qua dù ra giá thu mua đặt hàng nhưng nhiều chủ ghe thu mua lúa vẫn không dám nhận cung ứng theo hợp đồng chỉ vì lo không thể thu mua được lúa trong dân.
Vừa qua do nhận thấy tin giá lúa tăng đầu vụ, thương lái ráo riết đặt cọc trước và sau tết để chuẩn bị cung ứng hàng cho một số DN có hợp đồng thương mại xuất khẩu đã tạo tâm lý chờ giá lúa lên cao dân mới bán. Trong đó có một số thương lái đã mua lúa neo giữ lại và nông dân chưa thu hoạch lúa không vội bán.
Một thương lái thu mua lúa tại Cần Thơ cho biết: Đến ngày 15/2 các DN cần thu mua lúa gạo gần đủ số lượng để giao hàng theo hợp đồng đã giảm thu mua bằng cách giảm giá gạo trắng Jasmine từ 10.200 đ/kg, giảm còn 9.800 đ/kg; gạo trắng IR50404 giá 6.700 đ/kg, giảm 100 đ/kg so với 2 ngày đầu tuần. Trong khi đó lúa tươi thương lái đến mua trên đồng nông dân “treo” giá, không giảm: Lúa Jasmine 5.500 đ/kg, lúa IR50404 giá 4.600-4.700 đ/kg.
Theo nguồn tin từ một số DN có hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo cho khách hàng Philippines hơn 200.000 tấn, thời hạn giao hàng đợt này đến 20/2. Trong đó một số DN đã ký hợp đồng còn thiếu chân hàng đã gấp rút thu mua gạo cho đủ số lượng. Một vài DN khác chần chừ chờ lúa lúa thu hoạch nhiều sẽ hạ giá nhưng điều đó không xảy ra nên gần đến hạn giao hàng đã chấp nhận mua lúa gạo giá cao cho đủ số lượng theo hợp đồng.
Hệ quả từ đợt lúa tăng giá đầu vụ không chỉ khiến giới thương lái gặp khó trong vai trò trung gian mua bán lúa gạo mà nhiều hợp đồng liên kết SX giữa nông dân và DN có nguy cơ bị phá vỡ. Đó là do một số nông dân nhận thấy giá lúa cao nên bán ra ngoài cho thương lái và chấp nhận hoàn trả tiền lại tiền lúa giống, vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV) mà DN đã ứng trước từ đầu vụ.
Tại Cần Thơ có hơn 85.800 ha lúa ĐX, đến nay thu hoạch gần 10.000 ha, năng suất bình quân đạt 5,8 tấn/ha. Đợt mưa trái mùa vừa qua có khoảng 500 ha lúa bị đổ ngã làm giảm năng suất, tăng thêm chi phí gặt (lúa ngã gặt máy 3 triệu đồng/ha, tăng hơn 1 triệu đồng/ha; công gặt lúa bằng tay 6-7 triệu đồng/ha). Dự kiến đến đầu tháng 3/2017 thu hoạch dứt điểm.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho rằng, hiện DN lo âu tình trạng này sẽ ảnh hưởng việc mở rộng diện tích SX trên cánh đồng lớn (CĐL) trong những vụ lúa sắp tới.
Tính đến năm 2016, TP Cần Thơ đã mở rộng CĐL SX lúa chất lượng cao theo chuỗi liên kết với trên 48.700 ha, gần 37.000 hộ nông dân tham gia. CĐL đã giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, cơ giới hóa SX theo hướng bền vững, giúp tăng lợi nhuận cao hơn so với SX ngoài CĐL từ 3 đến 5,5 triệu đồng/ha.
Nông nghiệp Việt Nam