MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Mekong Capital “nói không” với startup công nghệ?

28-09-2019 - 11:12 AM | Doanh nghiệp

Tại Việt Nam, Mekong Capital quan tâm tới các công ty xu hướng tiêu dùng hơn là startup công nghệ.


Mekong Capital thành lập năm 2001, là công ty quản lý quỹ đầu tư chuyên về vốn cổ phần chưa niêm yết tại Việt Nam. Thay vì để mắt đến các startup công nghệ, Mekong Capital quan tâm hơn đến công ty xu hướng tiêu dùng.

Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ giữa thương chiến Mỹ - Trung. Theo dịch vụ thông tin kinh doanh Bureau van Dijk, đầu tư tư nhân tăng kỷ lục chạm mốc 1,6 tỷ USD năm 2018, từ 418 triệu USD một năm trước đó.

Dù vậy, Mekong Capital tỏ ra thận trọng và tìm kiếm giá trị trong các khoản đầu tư truyền thống hơn là startup công nghệ. Chris Freund, sáng lập viên Mekong Capital, nhận định một số mô hình kinh doanh công nghệ không có ý nghĩa. Ông cảnh báo lĩnh vực này bắt đầu giống như “bong bóng”.

Một ví dụ là startup giao đồ ăn. Họ đang phải đối mặt với các siêu ứng dụng như Grab. Grab dù được xem là dẫn đầu thị trường nhưng chưa có lãi. “Tôi không biết làm thế nào để họ có lợi nhuận… Nếu tiền vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, cả ngành sẽ sụp đổ”.

Ông Freund tham gia vào việc thiết lập hoạt động của quỹ đầu tư Templeton Asset Management tại Việt Nam vào giữa những năm 1990 trước khi thành lập Mekong Capital. Họ quản lý 4 quỹ, một trong số đó đang thực hiện những khoản đầu tư mới.

Ban đầu, Mekong Capital đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất nhưng hiện tại tập trung vào các công ty xu hướng tiêu dùng trong 14 lĩnh vực. Danh mục các công ty được “rót vốn” bao gồm chuỗi nhà thuốc Pharmacity, nhà cung cấp dịch vụ logistics ABA cooltrans và Nhất Tín, chuỗi cửa hàng Pizza 4P’s.

Ông Freund cho biết không muốn chuyển hướng trở lại doanh nghiệp sản xuất kể cả khi Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn lắp ráp toàn cầu do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các cơ hội đầu tư tốt khá hiếm vì nhà sản xuất địa phương thiếu giá trị thương hiệu và công nghệ tiên tiến để cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài.

Thương vụ sinh lời nhất của Mekong Capital đến nay là khoản tiền 3,5 triệu USD đầu tư vào Thế Giới Di Động năm 2007 đổi lấy 35% cổ phần. Tổng số tiền từ các khoản thoái vốn tại Thế Giới Di Động và cổ tức nhận được là 199,4 triệu USD (thoái vốn hoàn tất tháng 1/2018).

Các khoản đầu tư khác không mang lại lợi nhuận cao bằng. Tuy nhiên, các công ty được Mekong Capital đầu tư đều được hưởng lợi từ tầng lớp trung lưu ngày một tăng của Việt Nam. Chẳng hạn, chuỗi Pharmacity đã mở hơn 200 cửa hàng khắp cả nước, giành thị phần của các nhà thuốc đơn lẻ.

Dù thị trường đầu tư tư nhân Việt Nam còn quá nhỏ đối với các gã khổng lồ toàn cầu như Carlyle và KKR, ông Freund nhận định cuộc chiến giành các thương vụ tốt nhất sẽ trở nên gay go hơn.

Liên minh do quỹ đầu tư của chính phủ Singapore, GIC, dẫn đầu đã “bơm” 853 triệu USD vào bộ phận bất động sản của Vingroup năm 2018 và gần đây thông báo khoản đầu tư 500 triệu USD khác vào bộ phận bán lẻ của tập đoàn. Quỹ Warburg Pincus của Mỹ được cho là rót 100 triệu USD vào startup fintech Momo năm nay.

Chiến lược đầu tư và danh mục của Mekong Capital có “an toàn” giữa cuộc chiến với các quỹ nước ngoài hay không sẽ sớm có câu trả lời.

Theo Du Lam

ICT News/Nikkei

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên