MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 thất bại?

Vì sao mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 thất bại?

Kết thúc năm 2020, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp chỉ đạt hơn 80% kế hoạch đề ra.

Năm 2016, tại Nghị quyết 35/2016/NQ - CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đã được đặt ra. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến hết 31/12/2020, cả nước có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt 81,2% mục tiêu một triệu doanh nghiệp năm 2020.

Vì sao mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 thất bại? - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc công bố "Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp" năm 2020

“Tác động của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả này”, VCCI cho biết trong "Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp" được công bố vào ngày hôm qua.

Theo đó năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký mới chỉ đạt 134.941 doanh nghiệp, thấp hơn 2,3% so với trong năm 2019. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể trong năm 2020 là 101.719 doanh nghiệp, cao hơn mức 89.282 doanh nghiệp của năm 2019. Số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong năm 2020 là 44.096 doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết 35, một số địa phương đã đặt ra mục tiêu phát triển số lượng doanh nghiệp và có cam kết với VCCI. Trong số 63 tỉnh thành phố trên cả nước, có 41 tỉnh thành phố có cam kết về số lượng doanh nghiệp năm 2020. Tuy nhiên, chỉ có 17 địa phương đạt hoặc vượt mức đã cam kết. Một số tỉnh có số lượng doanh nghiệp tăng mạnh như Vĩnh Phúc (168%), Bắc Ninh (185%), Hưng Yên (152%), Bắc Giang (221%), Bình Phước (162%), Bình Dương (163%), Đồng Nai (164%).

Song trong chiều ngược lại VCCI cho biết mố địa phương có tỷ lệ tăng doanh nghiệp rất thấp trong 5 năm qua như Điện Biên chỉ tăng 24%, Bắc Kạn tăng 44%, Quảng Trị tăng 38%, Cà Mau tăng 45%,…

Theo "Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp" năm 2020 được VCCI mới công bố, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ.

Trong năm 2020, lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn là hai lĩnh vực được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, với 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt. Ngược lại, lĩnh vực phá sản doanh nghiệp chỉ có 44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt. Có 8/11 lĩnh vực còn lại có điểm số tập trung trong khoảng từ 52 đến hơn 60%.

Vì sao mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 thất bại? - Ảnh 2.

Kết quả khảo sát 11 lĩnh vực với hơn 8.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành

Tuy nhiên, VCCI đánh giá, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.

Đánh giá về những cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), những tín hiệu tích cho việc cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua được chứng minh bằng thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế. Bà Minh nhấn mạnh hai vấn đề trọng tâm đã có cải thiện tích cực là cải cách về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Vì sao mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 thất bại? - Ảnh 3.

Dù có nhiều cải thiện song theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp

Song bà Minh cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: Các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.

Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I/2020 của Tổng cục Thống kê:

Quý I/2021 cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 447,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245,6 nghìn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đạt 15,3 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 525,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2021 là 973,1 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 14,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2021 lên 44 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong quý I/2021, có 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 23,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; 11,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3%; 5,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 26,4%. Trung bình mỗi tháng có 13,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo Thùy An

Theo VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên