MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao ngành logistic Việt Nam vẫn chỉ lẹt đẹt đóng góp 2 - 3% cho GDP?

Theo đánh giá của các chuyên gia, tổng giá trị thị trường logistics Việt Nam có thể đạt tới 25% tổng GDP cả nước. Thế nhưng, thực tế đóng góp của lĩnh vực này vào GDP chỉ khoảng 2 - 3%. Vì sao lại có sự khập khiễng lớn giữa tiềm năng và thực tế như vậy?

Trước hết, phải thừa nhận rằng, chi phí lao động của lĩnh vực logistics nội địa đắt đỏ hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới. Phòng thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) nhận định, để vận chuyển một container hàng với khoảng cách hơn 100km và đường đi vô cùng thuận lợi, chi phí bỏ ra cao hơn khoảng 3 lần so với cùng container ấy vận chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc về tới Việt Nam.

Với chi phí ấy, chứng tỏ Việt Nam chưa có một chuỗi cung ứng dịch vụ hiệu quả, hoặc có thể đánh giá quy mô ngành logistics của chúng ta còn quá manh mún, khiến mức chi phí bị đội lên cao nhiều lần. Trong khi đó, theo đánh giá tại Diễn đàn logistics Việt Nam, doanh nghiệp logistics nội hiện đang vô cùng khó khăn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.

Trong 30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới, hiện đã có tới 25 tập đoàn thâm nhập thị trường Việt Nam, chiếm lĩnh 75% thị phần, chủ yếu là các lĩnh vực “béo bở” mang lại giá trị gia tăng cao. Ngược lại, với khoảng 1/4 nhỏ hẹp và khó khăn còn lại, các doanh nghiệp nội tự “trồi sụt”, “giành giật” từng cô hội nhỏ nhoi.

Thị phần nhỏ hẹp, giá trị gia tăng thấp, khiến chi phí cho dịch vụ logistics ở Việt Nam được đánh giá đang ở mức độ quá cao. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics (VLA) Lê Duy Hiệp đánh giá, doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài do thiếu hệ thống chung trên toàn thế giới. Đây là lý do chính khiến dịch vụ logistics của Việt Nam chỉ chiếm 25% thị phần nội địa.

Không chỉ vậy, năng lực của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn vô cùng hạn chế bởi chất lượng cán bộ không đáp ứng được nhu cầu. Trong số 1.300 doanh nghiệp nội địa, có tới 93 – 95% người lao động không được đào tạo bài bản, mà chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…

Các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, doanh nghiệp nội không có mối liên kết chặt chẽ càng tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngoại tận dụng để ép giá. Các chuyên gia chỉ ra, cùng với sự yếu kém về năng lực nội tại của các doanh nghiệp, ngành logistics còn thiếu tầm nhìn vĩ mô, dẫn tới các hoạt động kinh doanh logistics không hiệu quả.

Nếu không có sự đột phá về chính sách phát triển, cũng như chương trình đào tạo nhân lực phù hợp trong bối cảnh hiện tại thì trong tương lai rất khó có sự thay đổi cả về chất lượng lẫn cơ cấu thị phần nội địa. Tín hiệu tích cực nhất là việc, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đầu tư thêm các trung tâm logistics và các trung tâm này sẽ được hình thành ở những nơi có nhu cầu lớn nhất.

Theo PV

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên