MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao người Trung Quốc mê sữa Nhật nhưng Meiji vẫn phải rút chân ra khỏi thị trường béo bở này?

08-04-2016 - 16:07 PM | Thị trường

Người Trung Quốc khi du lịch Nhật Bản hay châu Âu, thường mang về cơ man nào là... sữa bột....

Nhiều năm qua, lo ngại về chất lượng sữa bẩn, thực phẩm bẩn ở quê nhà, người Trung Quốc đã đi "mua gom" sữa bột khắp thế giới. Hiện tượng người Trung Quốc du lịch Nhật Bản, Hồng Kông, hay thậm chí cả châu Âu mua đến vài trăm hộp sữa bột không phải là câu chuyện hiếm gặp.

Nhật Bản, với những tiêu chuẩn cao nhất, lại không quá xa về mặt địa lý là địa điểm lý tưởng để du khách Trung Quốc tìm đến để gom sữa. Hiện tượng này càng trở nên phổ biến khi Meiji gần như ngừng cung cấp sản phẩm cho thị trường Trung Quốc đại lục trong khoảng 3 năm gần đây.

Sữa bột Meiji của Nhật Bản từng là mặt hàng làm mưa làm gió ở nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Theo thông tin từ Meiji, đối với ngành kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, hãng đã có công ty con tại Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Indonexia, Ấn Độ, Singapore, Mỹ.

Ngoài ra, các công ty con tại nhóm nước trên đã ký rất nhiều hợp đồng bán sản phẩm cho một số nước tại khu vực châu Á, Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, lãnh đạo cũng như đại diện của Meiji và Morigana cho biết họ đã có kế hoạch tiếp tục mở rộng xuất khẩu sữa sang nhiều thị trường châu Á.

Vậy tại sao hãng sữa này là rút chân khỏi thị trường đông dân như Trung Quốc, khi nhu cầu của thị trường này luôn rất lớn?

Để mở rộng thêm vấn đề, dưới đây xin đưa ra thêm một số câu chuyện về sự thăng trầm trong công việc kinh doanh các sản phẩm sữa Nhật tại Trung Quốc.

Hồng Kông: Sữa Nhật từng có lúc chiếm đến 25% thị phần

Năm 2011, khi Nhật đối đầu với thảm họa động đất sóng thần, nỗi sợ sản phẩm sữa Nhật nhiễm xạ lan ra toàn thế giới. Cuối tháng 3/2011 tại Hồng Kông, hàng trăm người xếp hàng trước những cửa hàng sữa nhập khẩu ở Hồng Kông, họ đang chờ đợi cơ hội để được cầm trên tay những sản phẩm mà họ tin là sạch cuối cùng: sữa bột Nhật Bản.

Trong hàng dài người trên, người ta nhìn thấy các bậc cha mẹ, nhưng ngoài ra là không ít ông bà của các cháu ở độ tuổi đã ngoài 70 và có cả giúp việc, lái xe của gia đình. Có nhà còn huy động cả anh em nội ngoại đi xếp hàng mua sữa. Nhiều người cho biết họ ra khỏi nhà từ 3h sáng và đến đây lúc 4h sáng chỉ để mua sữa cho con.

Từ sau khi thảm họa xảy ra vào ngày 11/3, họ đã hết sức lo lắng về khả năng sản phẩm sữa Nhật mà họ ưa thích bao lâu sẽ bị nhiễm xạ. Chính vì thế ngay sau khi biết tin xấu, các bậc phụ huynh đã lập tức đổ xô đến các cửa hàng sữa để mua gom.

Tại một khu phố khác, rất nhiều bậc cha mẹ Hồng Kông khác cũng kiên nhẫn đứng chờ trước một cửa hàng sữa Nhật. Các thương hiệu như Meiji hay Morigana cực kỳ phổ biến.

Tất cả các cửa hàng trên thuộc quản lý của công ty East Trading West, một công ty Hồng Kông chuyên buôn sữa từ Nhật về Hồng Kông. Nhu cầu đối với sữa Nhật quá cao đến nỗi tuần trước đó, công ty đã phải phát phiếu mua hàng cho khách. Theo đó, mỗi người chỉ được mua 1 thùng 8 hộp sữa.

Ngay cả từ trước thảm họa động đất sóng thần, sản phẩm sữa Nhật luôn nằm trong nhóm hàng hóa được người Hồng Kông ưa chuộng nhất. Không chỉ các bà mẹ Hồng Kông mà còn cả các bà mẹ Trung Quốc đại lục cũng lũ lượt đến Hồng Kông chỉ để mua sữa Nhật.

Giám đốc công ty Annapoli International cũng chuyên nhập sữa Nhật vào Hồng Kông cho biết khách hàng thường liên tục hỏi mua sữa bột Nhật. Bởi họ tin là sữa Nhật có nhiều chất tốt cho mắt, chính vì thế họ không nhìn thấy bọn trẻ con ở Nhật đeo kính cận nhiều.

Việc người Hồng Kông và Trung Quốc đại lục yêu sữa Nhật không phải mới xảy ra. Từ năm 2008 khi nổ ra bê bối sữa melamin, người Trung Quốc và Hồng Kông mua gom sữa Nhật ngày một nhiều hơn.

Trước đó, đã từng có nhiều vụ việc nhân viên siêu thị bị phạt vì chấp nhận cho khách mua số lượng sữa vượt quá với quy định.

Theo số liệu từ chính quyền Hồng Kông, sữa bột Nhật chiếm đến 25% thị phần sữa bột tại Hồng Kông. Chính quyền cũng ra thông báo để người dân yên tâm rằng chính quyền sẽ tiếp tục làm việc với các công ty chuyên nhập khẩu sữa Nhật để đảm bảo đủ nguồn cung, người dân không nên tích trữ quá nhiều.

Ngoài ra, chính quyền Hồng Kông cũng cảnh báo người kinh doanh sữa không nên tranh thủ tình hình mà tăng giá bất thường hay cố tình hạn chế nguồn cung gây khan hiếm giả trên thị trường.

Người Hồng Kông mua sữa vô cùng bạo tay. Nếu cửa hàng cho phép, có nhiều người muốn khuân về nhà khoảng 80 hộp sữa một lúc. Rất nhiều người khác sẵn sàng chuyển trước hàng nghìn USD Mỹ cho cửa hàng nếu họ đảm bảo đủ nguồn cung tuy nhiên cửa hàng đều phải từ chối để ngăn khách hàng tích trữ, làm mất cơ hội mua sữa của người khác.

Meiji đã phải rút chân khỏi Trung Quốc như thế nào?

Năm 2007, hãng sữa lớn nhất tại Nhật Meiji đã lên một kế hoạch bài bản để thâm nhập thị trường Trung Quốc, hãng đặt mục tiêu chiến thắng các đối thủ đến từ Mỹ và châu Âu như Mead Johnson. Các bà mẹ Trung Quốc đã nhiệt liệt ủng hộ sữa Nhật, bởi theo họ sữa Nhật phù hợp với trẻ em châu Á hơn sữa châu Âu. Sữa Meiji đã có khoảng thời gian vài năm cực kỳ thành công tại Trung Quốc.

Thế nhưng đến tháng 12/2011, khi người ta phát hiện một số mẫu sản phẩm sữa của hãng có chứa chất phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, hoạt động kinh doanh của Meiji tại Trung Quốc đã gần như đóng băng.

Thảm họa thực phẩm bẩn đã làm tổn hại uy tín an toàn thực phẩm thuộc loại tốt nhất thế giới của Nhật. Người yêu hàng Nhật khắp thế giới lo sợ về khả năng nhiễm xạ.

Doanh số bán sản phẩm sữa bột của Meiji tại Trung Quốc sụt thê thảm đến 90%. Sau đó hãng đã phải ngừng cung cấp sản phẩm sữa bột vào thị trường này vào năm 2013. Tuy nhiên vẫn duy trì được dòng sản phẩm sữa nước, sữa chua và bánh kẹo. Meiji thậm chí đã đầu tư đến 3 tỷ yên để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm trên. Đến hiện tại, hoạt động kinh doanh nhóm sản phẩm này mang lại lợi nhuận khá tốt cho Meiji.

Thế nhưng ngoài lý do trên, các chuyên gia ngành còn viện dẫn đến việc Trung Quốc đã siết chặt quản lý đối với các hãng sữa nước ngoài khiến chi phí hoạt động của Meiji tăng cao và họ buộc phải rời thị trường.

Các biện pháp đã gây ra nhiều sức ép đối với các hãng sữa ngoại mà Trung Quốc đã đưa ra bao gồm quy định về nhập khẩu sữa với số lượng ít hơn, chi phí bao bì, đóng gói, thuế vì thế cao hơn trước rất nhiều.

Đó là còn chưa kể đến việc trong năm 2013, Trung Quốc đã phạt 6 công ty sữa nước ngoài tổng cộng 668 triệu nhân dân tệ vì có các hành vi muốn độc quyền thị trường.

Dù đã ngừng cung cấp sản phẩm sữa bột cho thị trường Trung Quốc vào năm 2013, thế nhưng khi nỗi sợ hãi về sữa nhiễm xạ qua đi, thì người Trung Quốc thay vì mua tại Trung Quốc đã đua nhau sang Hồng Kông mua sữa.

Nhu cầu của người Trung Quốc tăng cao đến nỗi trong năm 2013 và 2014 đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối việc mua gom hàng của người Trung Quốc, khiến chính quyền Hồng Kông phải cân nhắc đến việc đưa sữa bột vào danh mục các loại hàng hóa cần được bảo vệ.

Theo Ngọc Thanh

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên