MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nhà bán lẻ di động, laptop Việt đua nhau mở mới cửa hàng?

21-12-2021 - 09:26 AM | Thị trường

Một số hệ thống bán lẻ cho biết đã đạt mức doanh số ấn tượng sau thời gian dài giãn cách. Dư địa tăng trưởng của ngành hàng điện tử nói chung vẫn còn rất lớn ở thị trường Việt Nam.

Dịch bệnh đã khiến cho ngành bán lẻ gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua. Một số hệ thống phải đóng cửa hàng loạt do thời gian giãn cách kéo dài không thể kinh doanh. Tuy nhiên, một số nhóm hàng lại có sự gia tăng về nhu cầu, trong đó nổi bật là các thiết bị công nghệ như điện thoại, laptop - PC, thiết bị mạng, nhà thông minh.

Đây là điều dễ hiểu vì khi dịch bệnh bùng phát, xu hướng làm việc, học tập tại nhà nhiều hơn. Người dân cần có các thiết bị hỗ trợ việc học, làm việc online. Do vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ thiết bị công nghệ mặc dù đã chịu thiệt hại nặng do không có doanh số bán hàng và chi phí mặt bằng, tài chính tăng cao nhưng sau thời gian giãn cách lại có nhiều cơ hội để phát triển mở rộng phục vụ nhu cầu tăng cao và xu hướng mới của thị trường .

Cuộc đua mở chi nhánh mới

Chỉ trong tháng 12, một số hệ thống đã đồng loạt khai trương nhiều cửa hàng mới, đáng chú ý có CellphoneS công bố mở thêm 12 chi nhánh chuyên bán laptop và nhà thông minh. Như vậy, đơn vị này đã nâng tổng số cửa hàng lên 70 và có mặt ở 9 tỉnh, thành phố. FPT Shop cũng mới khai trương 2 trung tâm PC - laptop mới tại Hà Nội.

Vì sao nhà bán lẻ di động, laptop Việt đua nhau mở mới cửa hàng? - Ảnh 1.

Trong khi đó, hệ thống Di Động Việt, Hnam Mobile cũng tiến hành mở thêm 2-3 cửa hàng bán smartphone mới. Đáng chú ý, Di Động Việt lần đầu tiên tấn công sang khu vực Hà Nội. Hệ thống này cũng chuẩn bị mở thêm cửa hàng chuyên bán laptop. Trước đó, Di Động Việt cũng đã liên kết với 11 cửa hàng của MobiFone để bán smartphone cùng phụ kiện công nghệ. 

Hệ thống di động lớn nhất Việt Nam là Thế Giới Di Động cũng đang tập trung mở rộng chuỗi TopZone, chuyên bán các sản phẩm của Apple. Đại diện Thế Giới Di Động cho biết ngoài 4 cửa hàng đạt chuẩn AAR đã khai trương vào cuối tháng 10, TopZone sẽ trình làng mô hình APR với diện tích 180-220 m2 vào tháng 12 này. 

Chưa dừng lại ở đó, chuỗi mới của Thế Giới Di Động đặt mục tiêu 50 shop AAR và 10 shop APR vào tháng 3 năm sau. Với mục tiêu này, TopZone sẽ trở thành hệ thống cửa hàng Mono Brand quy mô lớn nhất của Apple tại Việt Nam chỉ sau thời gian ngắn thành lập.

Thời điểm vàng để bán hàng

Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, do ảnh hưởng nặng bởi dịch, các mặt bằng bán lẻ dư thừa và việc tìm thuê phần nào dễ dàng hơn so với trước dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh ở nhiều tỉnh thành phố cũng còn phức tạp, việc mở rộng trong thời gian này ngoài những thuận lợi chung của ngành thì cũng là sự mạo hiểm với rủi ro về việc giãn cách kéo dài có thể quay lại ở nhiều khu vực. 

“Cuối năm là thời điểm mua sắm tất bật của mọi người, nhất là sau dịch nhu cầu cũng tăng rất cao, nhất là các sản phẩm để phục vụ cho công hay học online như laptop, máy tính bảng... Cho nên việc đầu tư thêm vào thời điểm này cũng rất dễ hiểu”, ông Xà Quế Nguyên, CEO Hnam Mobile nói.

Vì sao nhà bán lẻ di động, laptop Việt đua nhau mở mới cửa hàng? - Ảnh 2.

Các hệ thống bán lẻ cho rằng thời điểm này giá mặt bằng khá tốt vì được giảm 20-30% so với trước dịch. Tuy nhiên, đánh đổi lại thì chi phí xây dựng, giá các nguyên vật liệu, tiền nhân công đều tăng nhẹ.

Điểm chung của các hệ thống như CellphoneS, Di Động Việt hay Hnam Mobile đều dần tập trung sang ngành hàng laptop thay vì chuyên vào mảng smartphone như trước. Điều này cho thấy, ngành hàng laptop thực sự hấp dẫn vì nhu cầu tăng cao kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

“Sức bán của các dòng smartphone và laptop đã có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ cách đây khoảng 1 tháng. Nhưng đây đang là thời điểm vàng, chuẩn bị bước vào tháng cuối năm bùng nổ, dự đoán sức mua sẽ tiếp tục gia tăng. Dự kiến, sức bán sẽ tăng 30% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng 20% so với tháng trước”, bà Kim Vân, đại diện hệ thống Di Động Việt nhận định. 

Số liệu về thị trường cho thấy ngành hàng laptop ghi nhận mức tăng trưởng 200% vào tháng 10 và tháng 11 so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến trong tháng 12 và dịp mua sắm cuối năm, thị trường vẫn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 200-250%.

Hiện tại, FPT Shop đang chiếm thị phần lớn nhất trong việc bán laptop với 31%. Đơn vị này đã có sự chuẩn bị từ đầu năm khi tiên phong khai trương 70 Trung tâm laptop chuẩn mới trên toàn quốc để nâng cao trải nghiệm và cung cấp những dịch vụ tốt hơn đến khách hàng. Song song đó, hệ thống này còn có hơn 600 điểm bán kinh doanh laptop, smartphone từ trước.

Như Thủy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên