Vì sao Nhật Bản mất vị trí nền kinh tế số 3 thế giới?
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản giảm quý thứ hai liên tiếp trong giai đoạn từ tháng 10 - 12 năm 2023, khiến nước này tụt xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu.
- 18-02-2024Khối óc thông minh nhất nhì Phố Wall Warren Buffett suy tính gì, công cụ vô giá này có thể giúp nhà đầu tư tìm câu trả lời
- 17-02-2024Mỹ cảnh báo bão lụt có thể trở thành “bình thường mới”
- 17-02-2024Thay đổi của chuyên cơ Không lực Một qua ảnh
Nhật Bản xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu
Tờ Japan Times cho hay, Nhật Bản vừa mất vị trí nền kinh tế số 3 thế giới khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm quý thứ hai liên tiếp trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023. Hiện Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu.
Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tính theo đồng USD, nền kinh tế Nhật Bản giảm từ mức 6.300 tỷ USD vào năm 2012 xuống còn khoảng 4.200 tỷ USD năm 2023. Một phần nguyên nhân được cho là do tác động của việc đồng Yên yếu đi và dân số già.
Tại thời điểm này, GDP của Nhật Bản thấp hơn Đức tính theo đồng USD. Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ được đánh giá là đang sẵn sàng vượt qua cả hai nền kinh tế trên trong vài năm tới.
Việc kinh tế Nhật Bản tụt bậc trong danh sách xếp hạng toàn cầu đặt ra những câu hỏi mới cho người dân trong nước về định hướng phát triển quốc gia. Hiện tại, phản ứng của công chúng đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã bớt gay gắt hơn so với thời điểm nền kinh tế Trung Quốc vượt qua nền kinh tế Nhật Bản vào năm 2010 và đang trên đà lớn mạnh.
Bất chấp thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài, Nhật Bản vẫn cố gắng duy trì vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong hơn một thập kỷ. Trước đây nước này là nền kinh tế số 2 thế giới sau Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc đã giành được vị trí đó vào năm 2010.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng Nhật Bản đang trong thời kỳ "suy thoái kỹ thuật". Tuy nhiên, ông Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics, cho rằng vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu Nhật Bản có đang suy thoái hay không do chất lượng dữ liệu GDP chưa tốt, thường phải chịu những đợt điều chỉnh lớn.
Ông Marcel Thieliant cho biết, các chỉ số tích cực như tỷ lệ thất nghiệp thấp của Nhật Bản và các doanh nghiệp báo cáo tình trạng tốt tại Ngân hàng Trung ương (BOJ) là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế nước này.
Theo đánh giá của ông Norihiro Yamaguchi, chuyên gia kinh tế cấp cao về Nhật Bản tại Oxford Economics, những con số được công bố chính thức về kinh tế Nhật Bản thấp hơn dự báo của Oxford Economics.
Đồng Yên suy yếu thu hẹp quy mô nền kinh tế
Việc Nhật Bản tụt hạng trong bảng xếp hạng kinh tế một phần là dấu hiệu cho thấy đồng Yên yếu đi so với đồng USD. Đồng thời, sự suy yếu của đồng tiền Nhật Bản cũng đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng bằng cách góp phần gây ra lạm phát thông qua chi phí nhập khẩu tăng.
Cụ thể, tiêu dùng tư nhân ở Nhật Bản giảm 0,2% trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023 so với quý trước đó. Sự sụt giảm GDP có khả năng làm phức tạp thêm lộ trình tăng lãi suất của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda.
Một số nhà phân tích kỳ vọng Thống đốc BOJ sẽ tăng lãi suất vào khoảng tháng 4 năm 2024. Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007 và sẽ chấm dứt lãi suất âm.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, với mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2%, cho đến nay vẫn duy trì chính sách "kiểm soát đường cong lãi suất" - chiến lược mua trái phiếu chính phủ để kiểm soát lãi suất - nhưng cách tiếp cận này đã khiến nó không phù hợp với lãi suất tăng của các ngân hàng trung ương lớn khác. Chính sách này cũng vấp phải một số chỉ trích vì khiến thị trường biến dạng và làm suy yếu đồng Yên.
Chuyên gia Norihiro Yamaguchi nhận định, BOJ có thể sẽ duy trì cách tiếp cận nhất quán trong tương lai, bất kể số liệu GDP như thế nào. "Niềm tin của người tiêu dùng đang được cải thiện cùng với thu nhập thực tế đang dần phục hồi, tôi kỳ vọng BOJ sẽ duy trì quan điểm nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục phục hồi vừa phải", Norihiro Yamaguchi nêu quan điểm.
Hideo Kumano - nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life cho rằng yếu tố chính đằng sau sự sụt giảm GDP của Nhật Bản là biến động tiền tệ . Ông cho rằng, đồng tiền nội tệ giá rẻ đang thu hẹp quy mô của nền kinh tế nước này.
Mặc dù Nhật Bản có thể tụt hạng trong bảng xếp hạng kinh tế nhưng nước này vẫn có thể giành lại vị trí trên Đức. Nhà phân tích Marcel Thieliant của Capital Economics cho biết: "Dự báo dài hạn mới nhất của chúng tôi cho thấy Nhật Bản sẽ vượt qua Đức một lần nữa, mặc dù điều đó có thể phải mất đến nửa sau của thập kỷ này. Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ lớn hơn Đức khoảng 6% vào năm 2050".
Trong tương lai gần, chuyên gia Norihiro Yamaguchi không kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ lấy lại được vị thế do đồng Yên yếu, năng suất trì trệ và tiềm năng tăng trưởng yếu thường xuyên do những thách thức về nhân khẩu học. "Những yếu tố này khó có thể sớm bị đảo ngược", ông Yamaguchi khẳng định.
Nhật Bản đang tiến xa hơn trong quá trình suy thoái nhân khẩu học. Cụ thể, trong khi Đức đang phải đối mặt với nguồn cung lao động thu hẹp, xu hướng này rõ ràng hơn ở Nhật Bản, nơi dân số đã giảm liên tục kể từ khoảng năm 2010. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu lao động có kinh nghiệm và tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn do tỷ lệ sinh vẫn thấp.
Ngược lại, nền kinh tế Ấn Độ có triển vọng vượt qua cả hai nền kinh tế này trong vài năm tới. Theo số liệu của IMF, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2026 và Đức vào năm 2027. Dân số Ấn Độ cũng đã vượt qua Trung Quốc vào năm ngoái và quốc gia này dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới.
VOV