MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nhiều doanh nghiệp lớn vỡ kế hoạch kinh doanh?

Các doanh nghiệp niêm yết đang dồn dập công bố mục tiêu kinh doanh 2017 trong bối cảnh đã có tới gần 300 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch 2016.

Thời điểm này trên thị trường các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán đang dồn dập công bố mục tiêu kinh doanh 2017. Trước đó vào năm 2016 - năm được nhìn nhận là các doanh nghiệp phải chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài khó lường trước, trong đó phải nhấn mạnh đến yếu tố tỷ giá và lãi suất. Sự “nhảy múa” liên tục của các đồng ngoại tệ đã làm cho nhiều doanh nghiệp “dở khóc dở cười” và con số khoảng gần 300 doanh nghiệp không hoàn thành được kế hoạch kinh doanh 2016 là con số đáng để xem xét khi nhìn vào những con số mục tiêu của năm 2017.

Đặt mục tiêu có lãi, rốt cục lại lỗ

Trong danh sách các doanh nghiệp báo lỗ năm 2016, ngoại trừ Vận tải và thuê tàu (VFR), Agriseco (AGR), PV2, Sông Đà 7 (SD7), PVR dự kiến bị lỗ thì có tới hơn 40 doanh nghiệp đã công bố KQKD thua lỗ trong năm 2016 mặc dù đầu năm đều lên mục tiêu kinh doanh có lãi. 

Trong đó đáng chú ý nhất là khoản lỗ nặng 1.621,26 của Gỗ Trường Thành (TTF) trong khi mục tiêu là có lãi 323 tỷ đồng hay như khoản lỗ của Ocean Group (OGC) và Ocean Hospitality (OCH), chắc cả 2 công ty này cũng không nghĩ tới việc mình sẽ lỗ tới hàng trăm tỷ đồng khi đầu năm mặc dù đã dè dặt đặt mục tiêu lợi nhuận sụt giảm so với năm 2015.

Bất ngờ nhất trong danh sách này có lẽ thuộc về ông vua cá tra Thủy sản Hùng Vương (HVG), sau kiểm toán, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đã từ có lãi 64,6 tỷ đồng biến thành lỗ hơn 49,2 tỷ đồng. Hay như Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB), được biết đến là một doanh nghiệp với hoạt động đặc thù và thuộc lĩnh vực độc quyền cũng đã phải chấp nhận một kết quả lỗ đầu tiên trong vòng 8 năm qua.

Đáng chú ý không chỉ vỡ kế hoạch kinh doanh việc thua lỗ trong năm 2016 còn khiến một số doanh nghiệp trong nhóm này đối mặt với án hủy niêm yết do kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, cụ thể HoSE đã công bố hơn 8 triệu cổ phiếu VNH của Thuỷ sản Việt Nhật sẽ chính thức bị hủy niêm yết kể từ ngày 23/3/2017. Trước đó, HOSE đã thông báo về nguy cơ chứng khoán bị hủy niêm yết đối với cổ phiếu VNA của Vận tải biển Vinaship. Ngoài VNA, một số cổ phiếu cũng đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc khi có BCTC kiểm toán 2016 như cổ phiếu SDH của Xây dựng hạ tầng Sông Đà, VBH của Điện tử Bình Hòa, VFR của Vận tải và thuê tàu, SDY của Xi măng Sông Đà Yaly, TTF của Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành…

Hoàn thành vỏn vẹn vài % kế hoạch

Có khoảng 10 doanh nghiệp chỉ hoàn thành được chưa đến 10% kế hoạch và khoảng trên 50 doanh nghiệp hoàn thành chưa được nửa mục tiêu kinh doanh của mình, đáng chú ý có rất nhiều doanh nghiệp trong nhóm này có kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ, theo đó nguyên nhân vỡ kế hoạch không phải do những doanh nghiệp này đặt mục tiêu kinh doanh quá cao mà chủ yếu do những khó khăn của năm 2016 khiến những doanh nghiệp này lãi thấp.

Đơn cử như Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS), do thị trường ô tô tải “hết sóng”, công ty này chỉ đạt 140,47 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước tương ứng hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm 2016. Hay như Sợi Thế Kỷ (STK) - một doanh nghiệp từng được kỳ vọng trong ngành dệt may đã bất ngờ lỗ 14 tỷ trong quý IV kéo lãi ròng cả năm xuống còn 25 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước. Đây là khoản lợi nhuận thấp nhất mà Sợi Thế Kỷ đạt được trong vòng 8 năm qua.

Không hoàn thành kế hoạch do tham vọng

Có không ít doanh nghiệp hồi đầu năm đã kỳ vọng lớn vào kết quả tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp mình trong năm 2016 nên đã lên kế hoạch kinh doanh khá "hoành tráng" tuy nhiên kết quả cũng "vỡ kế hoạch".

Địa ốc Hoàng Quân (HQC) kết thúc năm 2016 lãi ròng hơn 112 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông 2016, lý giải nguyên nhân không hoàn thành kế hoạch của mình công ty cho biết một phần là do tình hình hoạt động kinh doanh của công ty tạm thời gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án Nhà ở xã hội do chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội của Chính phủ. Tuy nhiên công ty dự kiến sang năm 2017, lợi nhuận quý 1 sẽ đạt ít nhất 100 tỷ đồng và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 sẽ không dưới 200 tỷ đồng.

Trong danh sách này đáng chú ý có Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đạt “thành tích” 5 năm liên tiếp vỡ kế hoạch, từ năm 2012 - 2016, DIG luôn đặt kế hoạch lãi ròng ở mức không dưới 70 tỷ/năm nhưng chưa năm nào hoàn thành, thậm chí năm 2015 chỉ hoàn thành được 15%, theo lý giải của công ty, nguyên nhân không thể hoàn thành kế hoạch là vì sản phẩm tại các dự án mặc dù đã được bán nhưng chưa bàn giao cho khách hàng nên chưa thể hạch toán doanh thu …

Ngoài những doanh nghiệp thực sự vỡ kế hoạch do mình đặt ra thì năm 2016 còn chứng kiến nhiều doanh nghiệp không bị vỡ kế hoạch là do điều chỉnh lại mục tiêu kinh doanh của mình, trong đó điển hình nhất là các doanh nghiệp họ dầu khí, việc điều chỉnh thậm chí còn diễn ra cả vào thời điểm cuối năm đã giúp Ban điều hành "hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm".

Bước sang năm 2017, dự kiến môi trường kinh doanh thuận lợi, nhiều ngành, lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng, không ít doanh nghiệp đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2017 ở mức cao. Có nhà đầu tư cho rằng doanh nghiệp nên đặt ra chỉ tiêu thấp nhưng phấn đấu thực hiện cao hơn vẫn tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp có khả năng vượt kế hoạch đưa ra là rất lớn, nhưng vẫn xây dựng chỉ tiêu ở mức thấp. Trong những trường hợp này, khi kết quả hoạt động vượt chỉ tiêu kế hoạch, ban điều hành không những được các cổ đông ủng hộ mà thậm chí còn được thưởng cho phần... vượt kế hoạch. Ngược lại có cổ đông lại cho rằng thận trọng là cần thiết nhưng cũng đừng đưa ra những chỉ tiêu quá "bèo bọt", không xứng tầm với tiềm năng của công ty. Khi đó sẽ tạo ra sự ỷ lại nơi ban điều hành, vì thế cũng cần có những chỉ tiêu "phấn đấu" bên cạnh chỉ tiêu "pháp lệnh".

Thị trường tiếp tục chờ đón những con số mục tiêu kinh doanh năm 2017 được các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán công bố.

Tú Anh

HNX&HSX

Trở lên trên