Vì sao nhiều khách Việt ngại mua xe điện Trung Quốc?
Hàng loạt mẫu xe điện Trung Quốc được giới thiệu, mở bán tại Việt Nam nhưng người tiêu dùng lại tỏ ra e ngại vì mức giá khá cao trong khi hạ tầng trạm sạc lại thiếu
- 20-07-2024Trước thông tin giảm phí trước bạ: Thị trường xe cũ “đứng ngồi không yên”
- 20-07-2024Vì sao nhiều bộ e ngại với đề xuất giảm phí trước bạ cho ô tô trong nước?
- 20-07-2024Xiaomi công bố "siêu xe điện" SU7 Ultra: 1.548 mã lực, chỉ mất 1.97 giây để tăng tốc lên 100Km/h, vận tốc tối đa 350Km/h
BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc - vừa công bố mức giá và mở bán đồng loạt 3 mẫu xe tại Việt Nam. Cụ thể, mẫu xe BYD SEAL có giá 1,119 - 1,359 tỉ đồng, BYD DOLPHIN từ 659 triệu đồng và BYD ATTO 3 từ 766 - 886 triệu đồng.
3 mẫu xe này có mức giá được nhận định thuộc hàng đứng đầu so với các thị trường khu vực Đông Nam Á dù được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc và không có nhiều khác biệt về trang bị, tính năng. Giá các mẫu xe này cũng cao hơn những mẫu cùng phân khúc ở thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, BYD Auto Việt Nam không tập trung xây dựng hạ tầng trạm sạc mà sẽ thực hiện nhiều kế hoạch thay thế; đồng thời hợp tác với các đối tác trạm sạc để có được mức giá tốt cho khách hàng.
Trước đó, hồi tháng 6-2024, liên doanh Morris Garages - SAIC Motor (MG) đã giới thiệu mẫu xe MG4 EV tại Việt Nam với mức giá bán lẻ 828-948 triệu đồng cho 2 phiên bản DEL và LUX.
Với mức cao nhất gần 1 tỉ đồng, MG4 có giá cao hơn đối thủ cùng phân khúc là VinFast VF6 (675-765 triệu đồng) hay e34 (710-900 triệu đồng). Hệ thống trạm sạc chưa phủ rộng và thương hiệu còn khá mới có thể khiến hãng gặp ít nhiều trở ngại khi tiếp cận khách hàng.
MG Việt Nam cũng chưa có kế hoạch đầu tư hệ thống sạc mà chỉ đưa ra thông tin về việc hỗ trợ, như sạc tại nhà bằng bộ sạc kèm theo xe hoặc lắp đặt thiết bị sạc tại nhà.
Trong khi đó, Tập đoàn Chery dự định đưa vào thị trường Việt Nam 2 thương hiệu xe Omoda và Jaecoo với các dòng xe xăng, xe plug – in hybrid (PHEV) và thuần điện (BEV). Hãng xe Trung Quốc này có tham vọng đến năm 2028 lọt vào top 5 hãng xe lớn nhất tại Việt Nam, có doanh số chiếm khoảng 10% với 10 sản phẩm. Dù vậy, hãng xe này lại không có kế hoạch đầu tư cho hệ thống trạm sạc.
Dù các hãng ô tô Trung Quốc đã và đang có kế hoạch đưa xe điện vào Việt Nam nhưng nhiều người tiêu dùng lại tỏ ra khá thờ ơ. Những người được hỏi đều cho rằng mức giá xe điện Trung Quốc khá cao, khó cạnh tranh với xe điện VinFast của Việt Nam.
Anh Phùng Thái Ngọc (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) khi biết được mức giá xe điện BYD đã tỏ ra khá thấp vọng. "Chiếc SEAL khi làm thủ tục đầy đủ để lăn bánh cũng hơn 1,5 tỉ đồng vì không được miễn phí trước bạ. Với giá này, khách hàng mua được chiếc VF 9 của VinFast rộng rãi hơn, hoành tráng hơn" - anh Ngọc so sánh.
Ông Nguyễn Hoàng Tú (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) nhận xét ngoài mức giá cao, khó cạnh tranh, việc BYD không đầu tư hệ thống trạm sạc tại Việt Nam sẽ gây khó cho những ai muốn mua xe của hãng này.
Nhiều người cho rằng các trụ sạc vẫn còn quá ít và chỉ có ở Hà Nội, TP HCM. Do đó, khi sử dụng xe điện Trung Quốc sẽ bất tiện, chủ xe không thể di chuyển ra khỏi thành phố. Theo ý kiến nhiều người, cần chờ thêm một thời gian để giá xe điện Trung Quốc hạ xuống mức hợp lý mới mua.
Theo báo chí nước ngoài, BYD bị điều tra tại Thái Lan vì giảm giá ô tô liên tục khiến khách mua xe trước đó thiệt thòi. Cụ thể, chiếc BYD ATTO 3 ở Thái Lan đang còn khoảng 513 – 550 triệu đồng, giảm rất nhiều so với mức giá mở bán ban đầu và thấp hơn tới 300 triệu đồng so với giá mở bán ở Việt Nam.
Người lao động