MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép nhưng World Bank lại cảnh báo Việt Nam về những vấn đề đáng lo ngại?

Dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Bội chi nhân sách hiện đang ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là khoảng 5,6% GDP.

Đây là một trong những cảnh báo được đưa ra trong báo cáo Đánh giá về chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khoá hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng, do Chính phủ Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Theo báo cáo, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng mạnh do chính sách tài khoá nới lỏng trong những năm qua. Nợ công so với GDP tăng đáng kể từ 51,7% năm 2010 lên đến 61% năm 2015, trong đó, nợ Chính phủ chiếm 49,2%; nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,9%; nợ chính quyền địa phương khoảng 0,9%.

Không tính nợ bảo lãnh và vay nợ trong nội bộ, nợ trực tiếp của Chính phủ được ước tính ở mức 43,3% GDP (năm 2015) gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực và tương đương về thu nhập.

Tuy nhiên, theo báo cáo, vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, tăng khoảng 10% trong 5 năm qua, cho dù với thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng.

Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đổi mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khoá.

Theo báo cáo, đi cùng với nợ tăng cao, cơ cấu nợ công cũng đã có sự thay đổi. Bởi lẽ nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài dần hạn chế, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước.

Tỷ trọng nợ trong nước trên tổng nợ công tăng từ 45% năm 2010 lên đến 55,4% năm 2015. Nợ trong nước giúp giảm rủi ro tỷ giá và góp phần phát triển thị trường vốn trong nước nhưng cũng làm giảm đáng kể kỳ hạn danh mục nợ.

Thị trường trái phiếu trong nước đã có những chuyển biến tích cực tuy nhiên do vẫn còn ít các nhà đầu tư dài hạn tham gia thị trường này, nhu cầu mua nợ trong nước có kỳ hạn dài hơn vòn hạn chế.

Chính phủ đã có những nỗ lực nhằm kéo dài kỳ hạn trái phiếu chính phủ trong nước để nâng kỳ hạn bình quân còn lại trên 4,44 năm vào cuối năm 2015 so với 2,93 năm hồi năm 2013. Nhưng bên cạnh cải thiện trên, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.

Vì vậy đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn rất hạn chế như hiện nay. Theo đánh giá, nhìn chung, kỳ hạn nợ trung bình của Việt Nam vẫn chưa thể bằng kỳ hạn bình quân của trái phiếu Chính phủ ở các quốc gia thu nhập trung bình và các quốc gia khác trong khu vực.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Bội chi nhân sách hiện đang ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là khoảng 5,6% GDP.

Theo đó, nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn duy trì như hiện nay thì tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần cho phép (65% GDP) trong những năm tới, kể cả khi tăng trưởng GDP có được duy trì ở mức cao và chi phí huy động vẫn còn tương đối thuận lợi như hiện nay.

Mặt khác, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng, khiến cho nợ công có thể trở nên mất bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ. Nghĩa vụ nợ dự phòng nếu được hiện thực hoá có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản của Việt Nam vẫn được cẩn trọng.

Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ với nguyên tắc tăng cường kỷ luật tài chính, không có trách nhiệm trả nợ cho DNNN thua lỗ nhưng trên thực tế Chính phủ vẫn có thể can thiệp nếu tình trạng thua lỗ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Vì vậy,báo cáo khuyến nghị công tác quản lý nợ của Chính phủ phải tính đến những rủi ro đó, đồng thời phải duy trì được dư địa ngân sách đủ để hấp thụ những cú sống đó trong trường hợp xảy ra.

Cụ thể, các kết hoạch củng cố ngân sách theo các cam kết hiện nay của Chính phủ phải được triển khai một cách nhất quán để đảm bảo quỹ đạo nợ công quay lại lộ trình bền vững, đặc biệt trong bối cảnh yếu tố ưu đãi của nợ nước ngoài đang có xu hướng giảm xuống.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên