MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao ông chủ mì 3 Miền trả sớm khoản nợ nửa nghìn tỷ?

17-09-2020 - 09:48 AM | Doanh nghiệp

Động thái chi nửa nghìn tỷ mua lại trái phiếu ở thời điểm rất xa so với ngày đáo hạn của Uniben là khá bất ngờ, nhất là khi mà lô trái phiếu có lãi suất khá rẻ so với thị trường, chỉ 8,3%/năm.

CTCP Uniben vừa công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn đối với lô trái phiếu UNB122022. Cụ thể, vào ngày 31/7/2020 công ty này đã mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu loại có kỳ hạn 36 tháng, không chuyển đổi bằng VNĐ, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản và không phải nợ thứ cấp của Uniben.

Lô trái phiếu này được Uniben phát hành trong khoảng thời gian từ 30/12/2019 đến 27/3/2020 với lãi suất cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên (12 tháng kể từ ngày phát hành) có mức khá rẻ, chỉ là 8,3%/năm. Danh tính trái chủ lúc đấy không được công bố, chỉ biết nhóm Techcombank - TCBS là bên thu xếp cho đợt phát hành.

Động thái chi nửa nghìn tỷ mua lại trái phiếu ở thời điểm rất xa so với ngày đáo hạn của Uniben là khá bất ngờ, nhất là khi lô trái phiếu trên có lãi suất khá rẻ so với mặt bằng chung 10-11% hiện nay. Một lý do giải thích có thể là bởi lãi suất tính từ năm thứ 2 của lô trái phiếu không còn quá hấp dẫn, bằng lãi tham chiếu cộng biên độ 4,4%, so mới mặt bằng từ 3,5-4% trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , Uniben tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, thành lập năm 1992.

Tại ngày 19/7/2016, Uniben có vốn điều lệ là 900 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông chi tiết không được công bố, chỉ biết 38,59% vốn doanh nghiệp do Uniben Holdings (có địa chỉ tại Singapore) nắm giữ.

Đến ngày 18/8/2020, số vốn điều lệ của công ty này vẫn giữ nguyên ở mức 900 tỷ đồng, trong đó quỹ Greaton Investments PTE.LTD có trụ sở tại Singapore đóng góp 44,39%. Hai ngày sau khi công bố thông tin cổ đông, Uniben cũng chuyển trụ sở chính sang số 32 VSIP II-A đường số 30, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất mì ống, mỳ sợi và sản phẩm tương tự.

Uniben là doanh nghiệp hoạt động tích cực trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) với các sản phẩm mì 3 Miền, Reeva, cháo, phở, hạt nêm, nước mắm, hiện sở hữu 2 nhà máy lớn với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng tại Hưng Yên và Bình Dương.

Song hành và có mối liên hệ mật thiết cùng với quá trình phát triển của Uniben là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UpCom: VIB) do ông Đặng Khắc Vỹ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế (Nettra) – cựu cổ đông lớn VIB, là công ty con của Uniben. VIB cũng là nhà băng đồng hành nhiều năm nay với Uniben. Nhà sản xuất mì gói này đã nhiều lần thế chấp tài sản có giá trị hàng nghìn tỷ đồng để vay vốn tại ngân hàng của Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ.

Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện vào ngày 27/3/2020 (cùng thời điểm của đợt phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu mã UNB122022), Uniben đã đăng ký thế chấp 17 triệu cổ phần, tương đương 1,84% vốn VIB tại Techcombank khối Ngân hàng bán buôn miền Nam. Tuy nhiên, số cổ phần này có giá trị (tính theo giá đóng cửa cổ phiếu VIB ngày 27/3/2020) chưa bằng một nửa so với quy mô trái phiếu mã UNB122022. Do đó, có khả năng trên thực tế, Uniben đã thế chấp nhiều hơn con số 17 triệu cổ phần đã công bố. Ngoài ra, đến ngày 6/8/2020 vừa qua, Uniben lại tiếp tục đăng ký đảm bảo tài sản là một loạt máy móc thiết bị tại VIB.

Ngược lại với quy mô hoạt động cũng như nhận được sự hậu thuẫn sâu sắc từ phía nhà băng của ông Đặng Khắc Vỹ thì kết quả kinh doanh Uniben lại có phần khá khiêm tốn, khi trong năm 2019, công ty này chỉ đạt lãi sau thuế 32,9 tỷ đồng. Quy mô vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2019 đạt 1.050 tỷ đồng, dẫn tới tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp này ở mức 3,13%. Tính đến cuối năm 2019, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Uniben là 1,3 lần.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

Trở lên trên