MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao ông Phạm Nhật Vượng nói 'mục tiêu cao nhất cho đợt IPO này không phải là tài chính, mà là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu'?

Từ khi thành lập đến nay, VinFast đã liên tục khẳng định tham vọng thâm nhập vào thị trường ô tô toàn cầu.

Thời gian vừa qua, ngành công nghiệp ô tô thế giới đã ghi nhận những bước thay đổi mạnh mẽ khi các hãng lớn, có truyền thống lâu đời trên thế giới như Toyota, Ford, Hyundai, BMW… đã mạnh tay chi để nghiên cứu, phát triển xe điện.

Song, một điểm đặc biệt là tại Los Angeles Auto Show 2021, lần đầu tiên một hãng xe Việt Nam góp mặt ở khuôn viên triển lãm: VinFast.

Vì sao ông Phạm Nhật Vượng nói mục tiêu cao nhất cho đợt IPO này không phải là tài chính, mà là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu? - Ảnh 1.

Thành lập từ năm 2017, đến nay VinFast đã liên tục khẳng định tham vọng thâm nhập thị trường ô tô toàn cầu. Năm 2017, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng từng nhấn mạnh: "VinFast là trụ cột chính của Vingroup trong kinh doanh thời gian tới".

Mới đây nhất, khi chia sẻ với truyền thông ngày 9/4 về sự kiện VinFast nộp dự thảo hồ sơ IPO tại Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng khẳng định, mục tiêu cao nhất cho đợt IPO này không phải là tìm nguồn tài chính, mà là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu.

Tham vọng này đã được hãng xe thực hiện hoá trong suốt thời gian vừa qua.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi tháng 6/2020, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ việc muốn làm những điều mà mọi người cho là khó khăn, những điều mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khác chưa thực hiện thành công. Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của những người như ông để phát triển một thương hiệu Việt Nam có uy tín thế giới.

Đầu năm 2021, Vingroup bất ngờ thông báo rút khỏi mảng sản xuất smartphone, TV... để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment" cho ô tô VinFast.

Đến tháng 6/2021, trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, Vingroup thông tin, nhằm chuẩn bị mở bán các dòng xe điện trên thị trường toàn cầu, thời gian qua, hãng đã tuyển dụng các cựu Giám đốc điều hành cấp cao từ nhiều nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Tesla, BMW, Porsche, Toyota và Nissan. Bên cạnh đó, hãng cũng thành lập các chi nhánh trên khắp lãnh thổ nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan.

Trong cuộc họp, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh, thị trường trước mắt VinFast muốn tập trung vào đó là Mỹ. Sau khi thành công, VinFast mới phát triển các thị trường khác.

Ông Vượng nhẩm tính, mỗi năm ở Mỹ sẽ bán khoảng 16 đến 18 triệu xe, nếu VinFast chỉ chiếm 1% thị phần sẽ bán được 160.000 – 180.000 xe. Đến năm 2026, công ty dự kiến bán hàng trăm nghìn xe tại thị trường này. Khoảng thời gian mà Vingroup đưa ra để VinFast bắt đầu có tên tuổi trên đất Mỹ là 3 - 5 năm và công ty chấp nhận bù lỗ.

Vì sao ông Phạm Nhật Vượng nói mục tiêu cao nhất cho đợt IPO này không phải là tài chính, mà là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu? - Ảnh 2.

Ảnh: REUTERS/Thanh Hue

Cuối năm 2021, tập đoàn đã công bố kế hoạch niêm yết VinFast, bộ phận ô tô điện của họ tại Mỹ trong năm nay, sẽ mở các showroom trên khắp phương Tây và bán được 42.000 xe điện (EVS) trên toàn cầu vào năm 2022, tăng so với mục tiêu trước đó là 15.000.

Bước sang năm 2022, tháng 3 vừa qua, VinFast thông báo đã ký biên bản ghi nhớ với chính quyền bang North Carolina để khởi động nhà máy sản xuất xe đầu tiên có trụ sở tại Mỹ. Khu phức hợp rộng hơn 800 ha sẽ có khả năng sản xuất 150.000 xe mỗi năm, chủ yếu sẽ sản xuất ô tô điện, xe buýt và pin EV.

Vì sao ông Phạm Nhật Vượng nói mục tiêu cao nhất cho đợt IPO này không phải là tài chính, mà là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu? - Ảnh 3.

Ngay trong ngày công bố ký kết ghi nhớ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đăng tải trên Twitter cá nhân: "Hôm nay, VinFast công bố sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin tại North Carolina trị giá 4 tỷ USD, tạo ra 7.000 việc làm. Đó là ví dụ mới nhất về chiến lược phát triển kinh tế của tôi".

Đến ngày 7/4/2022, website của VinFast đã đăng thông báo về việc công ty VinFast Trading & Investment Pte. Ltd., một công ty con được thành lập tại Singapore của Vingroup công bố đã nộp dự thảo hồ sơ niêm yết sơ bộ theo mẫu F-1 lên UBCK Hoa Kỳ ("SEC") liên quan đến việc đề xuất chào bán cổ phiếu phổ thông ra công chúng.

Quy mô đợt phát hành và giá chào bán cổ phiếu vẫn chưa được xác định. Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng dự kiến sẽ diễn ra sau khi SEC hoàn tất quá trình xem xét, và tùy thuộc vào thị trường và các điều kiện khác.

Trong quá khứ, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài, song mới chỉ ghi nhận trong khu vực Đông Nam Á (như Lào, Campuchia...), hoặc châu Phi. Nhưng, trường hợp Vingroup của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng lại hoàn toàn khác.

Chuyên trang Driving của Canada từng viết về VinFast: "Câu hỏi vẫn là liệu một công ty có vẻ nhỏ bé, lịch sử chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất ô tô như vậy có thể sánh ngang với sức mạnh của các nhà sản xuất ô tô lâu đời hay không, chưa kể đến tất cả các công ty khởi nghiệp tương tự tại Thung lũng Silicon đang nổi lên gần đây. Nhưng có một điều chắc chắn: VinFast không thiếu tham vọng".

Thực tế, sức hút của VinFast với truyền thông quốc tế đã phần nào khẳng định tham vọng của hãng xe trở thành thương hiệu toàn cầu. Trang The Driven viết, trong 5 năm qua, VinFast đã phát triển với tốc độ chóng mặt, trở thành cái tên hàng đầu ở thị trường nội địa.

Mới đây nhất, ngày 9/4, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng chia sẻ, VinFast sẽ tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ chính quyền ông Biden để mở rộng nhà máy đã được lên kế hoạch tại bang North Carolina.

Người đứng đầu tập đoàn cho biết: "Đó cũng là một trong các phương án tài chính của chúng tôi, nhưng chúng tôi cần chứng minh cho chính phủ Mỹ thấy rằng VinFast có đủ năng lực".

Theo Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, VinFast quyết tâm IPO vì thương vụ này sẽ giúp đưa hãng sản xuất xe điện Việt Nam trở thành một thương hiệu toàn cầu. Tuy nhiên, ông Vượng cũng lưu ý: "Nếu điều kiện chưa phù hợp, chúng tôi có thể tiếp tục chờ đợi".

"Bản thân chúng tôi quyết tâm thực hiện kế hoạch IPO, nhưng mục tiêu cao nhất cho đợt IPO này không phải là tìm nguồn tài chính mà là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu", vị tỷ phú nói thêm.

Trả lời phóng viên, ông Vượng cho hay, vay vốn từ chương trình cho vay sản xuất xe công nghệ tiên tiến (AVTM) của Chính phủ Mỹ là một lựa chọn khác mà VinFast đang tìm hiểu.

Quỹ AVTM quy mô 25 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thành lập năm 2007, khi các nhà sản xuất ô tô tại Detroit rơi vào khủng hoảng. Theo thông tin từ website của AVTM, quỹ được quản lý bởi Bộ Năng lượng Mỹ và có khả năng cho vay gần 18 tỷ USD.

https://cafef.vn/vi-sao-ong-pham-nhat-vuong-noi-muc-tieu-cao-nhat-cho-dot-ipo-nay-khong-phai-la-tai-chinh-ma-la-dua-vinfast-ra-thi-truong-toan-cau-20220410112549175.chn

Đặng Hùng

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên