Vì sao Quốc hội tăng thêm ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9?
Theo Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, việc thêm ngày nghỉ lễ nhằm mục tiêu tăng cường, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe, có điều kiện quây quần, ấm cúng bên gia đình, rồi làm các công việc nhân đạo, từ thiện.
- 20-11-2019Quốc hội thông qua Luật Lao động sửa đổi: Người lao động được nghỉ Quốc khánh 2 ngày
- 19-11-2019Tập đoàn PVN có tân Phó Tổng giám đốc
- 19-11-2019ĐBQH: Hợp đồng PPP là lời ăn lỗ chịu, đặt bút ký đồng nghĩa với chấp thuận rủi ro
- 18-11-2019Nhu cầu tuyển dụng tăng cao, doanh nghiệp Nhật "vật vã" tìm nhân sự Việt Nam
Ngày 20/11, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trao đổi với báo chí sau khi Quốc hội vừa thông qua Bộ Luật lao động sửa đổi . Theo Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, việc Quốc hội vừa thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi là sự kiện rất quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng quan hệ lao động. Đây là bộ luật có nội dung, phạm vi rất lớn và tác động sâu rộng đến hàng chục triệu người lao động, bao gồm cả lực lượng ở khu vực chính thức và phi chính thức.
Việc thông qua kỳ này có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là có tới hơn 10 điểm mới đối với người lao động và gần 10 điểm mới với tổ chức người đại diện. Chẳng hạn như vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng chậm, nhằm thực hiện đa mục tiêu, hay phát triển quan hệ lao động trong điều kiện kinh tế thị trưởng.
Theo Bộ trưởng, việc điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là quyết sách rất lớn của Đảng, Nhà nước, là tầm nhìn có tính chất chiến lược, nhằm đi trước đón đầu thách thức già hóa dân số. Đồng thời giải quyết mục tiêu bao trùm là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xã hội nhưng cũng phải cân đối để đảm bảo công ăn việc làm, bảo toàn, phát triển bền vững quỹ bảo hiểm, giải quyết hài hòa việc bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới.
“Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thế giới nhưng cũng chưa bao giờ là dễ với bất cư quốc gia nào, vì nó tác động rất lớn đến hàng chục triệu người lao động. Và trong mỗi hoàn cảnh, đối tượng cụ thể phải có cách ứng xử khác nhau”, ông Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Dũng cũng lưu ý, đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu bình thường đối với người lao động trong điều kiện bình thường, trong hoàn cảnh công việc và sức khỏe bình thường. Còn với người lao động nặng nhọc, độc hại, ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc…sẽ có lộ trình điều chỉnh khác.
Những người này được quyền nghỉ hưu sớm hơn nhưng không quá 5 năm. Nếu những đối tượng này cộng thêm suy giảm sức khỏe 61% thì có thể nghỉ hưu sớm hơn nữa. Còn những trường hợp có trình độ cao, yêu cầu công việc đặt ra thì có thể sẽ được kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhưng không kéo dài quá 5 năm, nhưng họ sẽ không làm công tác quản lý mà chuyển sang làm chuyên gia.
“Đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chung và điều chỉnh trong điều kiện người lao động bình thường, còn đối tượng đặc thù sẽ có hướng dẫn rất cụ thể. Chẳng hạn chúng ta có 1.810 ngành, nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại và vùng khó khăn thì số này có khoảng 3 triệu người. 3 triệu người này chắc chắn có thể được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm và thậm chí sâu hơn”, ông Dung nói.
Vì sao chọn thêm ngày nghỉ vào dịp 2/9?
Liên quan đến việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ trong dịp Quốc khánh 2/9, Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngày nghỉ lễ ấy để dành cho người lao động, nhằm mục tiêu tăng cường, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe, có điều kiện quây quần, ấm cúng bên gia đình, rồi làm các công việc nhân đạo, từ thiện.
Nhưng quan trọng hơn, việc chọn bổ sung 1 ngày nghỉ lễ, vì thực tế số ngày nghỉ lễ của ta còn thấp, và khoảng giữa tháng 5 đến tháng 9 chúng ta chưa có ngày nghỉ nào. Chính vì vậy Chính phủ lựa chọn phương án bổ sung thêm ngày nghỉ lễ, và chọn vào thời gian đó.
Đối với việc điều chỉnh giờ làm việc bình thường, theo ông Dung, đây cũng là vấn đề rất lớn, tác động rất sâu rộng đến tất cả các chủ thể, đối tượng, từ người lao động, cơ quan Nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp… Và điều quan trọng hơn là nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nên cần đánh giá toàn diện, sâu sắc và đầy đủ. Chính vì vậy, Chính phủ đề nghị và Quốc hội thống nhất ghi vào Nghị quyết, giao Chính phủ nghiên cứu, xem xét để có lộ trình đề xuất Quốc hội giảm giờ làm ở thời điểm thích hợp.
“Còn thời điểm thích hợp nào thì Chính phủ sẽ xem xét, đánh giá và trên cơ sở từng giai đoạn cụ thể để trình Quốc hội xem xét”, ông Dung cho hay.
Tiền phong