MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo GDP 2023 tăng 5,5 - 6%

Tăng trưởng GDP trong Quý 1 phản ánh khó khăn trong nhiều khu vực của nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Chính phủ đề ra, sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng giải ngân đầu tư công cũng như các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Báo cáo vĩ mô và thị trường Quý 1/2023 của Công ty chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho thấy, tiêu dùng trong Quý 1 vẫn duy trì được tăng trưởng tốt nhờ nền thấp trong cùng kỳ và yếu tố giá tăng. Dù vậy, tăng trưởng tiêu dùng vẫn đối diện với khó khăn trong các quý tiếp theo.

Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, tiêu dùng là mảng đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của Việt Nam. Với mức tăng 13,9% trong quý 1, tiêu dùng trở thành mảng có tăng trưởng mạnh nhất và đóng góp lớn nhất đối với mức tăng trưởng chung 3,32% của GDP.

Cũng theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt, tăng trưởng tiêu dùng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới đây. Bao gồm: Áp lực lạm phát; Môi trường lãi suất cao; Thu nhập người tiêu dùng bị tác động sau những sự kiện sa thải/cắt giảm lao động, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sụt giảm; Chương trình giảm thuế VAT 2% đã kết thúc từ cuối năm 2022.

Trước những thách thức trên, BVSC cho rằng tăng trưởng tiêu dùng trong năm 2023 sẽ khó có thể duy trì mức tăng cao. Tiêu dùng sẽ còn cần thêm các gói hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng để có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng trong các quý còn lại của năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm, bán lẻ là mảng có đóng góp lớn nhất đối với tăng trưởng tiêu dùng. Do đó, việc giảm thuế VAT 2% giúp kích thích nhu cầu mảng bán lẻ, sẽ giúp cho mảng này duy trì được tăng trưởng trong nửa sau của năm, qua đó giúp cho tiêu dùng trong nước duy trì được tăng trưởng và tiếp tục là động lực tăng trưởng đối với nền kinh tế.

Theo báo cáo của BVSC, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng chính đã phản ánh các thách thức trong năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế của các đối tác chính như Mỹ và Châu Âu gặp khó khăn do lạm phát cao và môi trường tài chính thắt chặt.

Theo đó, xuất nhập khẩu trong quý 1 tiếp tục có diễn biến giảm so với cùng kỳ. Diễn biến giảm này được quan sát thấy ở phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam. “Trong bối cảnh nhiều khó khăn của năm 2023 – triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới kém tích cực, đặc biệt ở các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, như Mỹ hay châu Âu với môi trường tài chính thắt chặt, lãi suất và lạm phát ở mức cao, chúng tôi cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong phần còn lại của năm, qua đó tạo triển vọng tăng trưởng kém tích cực đối sản xuất công nghiệp nói chung”, BVSC nhận định.

Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân vẫn gặp khó khăn

Theo BVSC, môi trường lãi suất cao khiến dòng vốn FDI và vốn đầu tư của dân cư và tư nhân vẫn gặp khó khăn. Đầu tư công kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm nay.

Với môi trường lãi suất cao cả trong nước và trên thế giới, tăng trưởng vốn FDI và vốn đầu tư tư nhân vẫn đang gặp khó khăn. Trong khi đó, đối với đầu tư công, năm 2023 là một năm có nhiều thuận lợi khi kế hoạch giải ngân vừa bao gồm nguồn vốn cho giai đoạn 2021-2025 vừa bao gồm nguồn vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch cho năm 2022-2023.

Với lượng vốn chi đầu tư lớn nhất từ trước đến nay – hơn 700 nghìn tỷ đồng, vai trò của đầu tư công trong năm nay là rất lớn. Thêm vào đó, nhiều dự án đã có khoảng thời gian chuẩn bị, giải phóng mặt bằng từ hai năm 2021-2022, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân từ năm 2023.

Do đó, BVSC kỳ vọng tăng trưởng giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ tích cực và thúc đẩy tăng trưởng cho các khu vực khác của nền kinh tế.

Riêng trong quý 1, đầu tư công đã diễn ra rất tích cực, tăng tới 18,1%. Dù vậy, tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vẫn còn thấp (13,4%), do đó, áp lực giải ngân trong thời gian còn lại của năm vẫn còn rất lớn để hoàn thành kể hoạch đề ra cũng như hỗ trợ tăng trưởng cho toàn nền kinh tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, môi trường tài chính thắt chặt và mặt bằng lãi suất cao, khiến cho xuất nhập khẩu không còn là một trong các động lực tăng trưởng trong năm 2023. Với mức tăng trưởng GDP thấp trong Quý 1 – chỉ đạt 3,32%, trong khi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 của Chính phủ là 6,5%, áp lực tăng trưởng trong 3 quý còn lại là rất lớn (trung bình mỗi quý phải tăng ít nhất 7,5%).

Theo BVSC, để đạt được mục tiêu này sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng giải ngân đầu tư công và khả năng thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm việc hạ lãi suất. BVSC duy trì dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam sẽ ở khoảng 5,5 - 6%.

Theo Minh Ngọc

Vnmedia

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên