Vì sao tăng giá điện 2 lần, EVN vẫn báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng?
Tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Tập đoàn EVN thông báo khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ.
- 20-12-2023Doanh nghiệp đề xuất EVN mua điện từ Lào về Việt Nam với giá 1.700 đồng/kWh
- 11-12-2023Một DN thủy điện chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2023 tổng tỷ lệ 71%, công ty con của EVN nhận về hàng trăm tỷ đồng
- 09-12-2023Thu hồi 3 văn bản đề xuất EVN hạ giá mua điện tái tạo
Đáng chú ý trong năm 2023, giá bán lẻ điện được điều chỉnh 2 lần (tăng 3% từ 4/5/2023 và tăng 4,5% từ 9/11/2023), do đó giá bán điện bình quân cả năm 2023 ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 69,22 đồng/kWh so với năm 2022.
Theo đó, doanh thu của EVN năm 2023 ước đạt 488.000 tỉ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022.
Lý giải nguyên nhân thực trạng này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao, nên năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, năm 2023, giá nhiên liệu cao hơn nhiều so với các năm trước, trong khi cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thuỷ điện giảm. Chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng đã khiến giá điện tuy tăng nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ.
“Năm 2023, tình hình thế giới và khu vực trong giai đoạn khó khăn, có tính bất định cao, diễn biến phức tạp. Ngoài nhiều yếu tố mới đã xuất hiện các thách thức mới về an ninh năng lượng toàn cầu. Những điều này đã tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn và các đơn vị”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, thông thường, sản lượng thuỷ điện của Việt Nam đạt 35% hoặc cao hơn, nhưng trong năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thuỷ điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thuỷ điện chỉ đạt 28,4%.
Còn nhiệt điện than - nguồn năng lượng chiếm tỉ trọng 33,2% nhưng năm 2023 sản xuất được 46,2%; nguồn tuabin khí và nhiệt điện dầu chiếm tỉ trọng 10,3% nhưng sản xuất được 9,8%; nhập khẩu điện chiếm tỉ trọng rất ít 1,46%; năng lượng tái tạo có công suất đặt chiếm 26,9%, nhưng sản xuất đạt 13%.
Hiện nay, thuỷ điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện. Còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.
“ Với cơ cấu nguồn như vậy, chúng ta thấy, giá thành điện của chúng ta chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả nguồn thuỷ điện cũng là tài nguyên. Trong khi tài nguyên của chúng ta ngày càng cạn kiệt, giá thành chỉ có tăng, không có chuyện xuống ”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện. truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá thành bán ra là 1.950 đồng/kWh.
“ Con số 2.092,78 đồng/kWh, trong đó giá thành sản xuất phải mua điện từ các đơn vị của EVN và các doanh nghiệp ngoài EVN là xấp xỉ 1.620 đồng/kWh, tương đương tỉ trọng mua điện chiếm 80% chi phí tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện. Ở các nước, giá thành mua điện chỉ khoảng 50% so với giá bán, còn lại 50% là dành cho các chi phí liên quan truyền tải, phân phối, quản lý vận hành. Nhưng ở đây chúng ta chỉ còn có 20% cho các khâu này, nên bản thân Tập đoàn và các đơn vị rất khó cân đối, tối ưu hóa ”, lãnh đạo EVN chia sẻ.
Nguy cơ thiếu điện hiện hữu
Theo lãnh đạo EVN, trong năm 2023, hiện tượng El Nino cùng nhiều yếu tố bất lợi đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô. Ngoài ra, công tác quản lý và chỉ đạo điều hành cung ứng điện vẫn còn hạn chế, trong đó còn để xảy ra tình trạng thiếu điện và phải thực hiện tiết giảm điện một số địa phương khu vực miền Bắc trong tháng 6/2023.
Dự báo năm 2024, EVN cho biết, sản lượng điện thương phẩm đạt từ 262,26 - 269,3 tỷ kWh và ngành điện tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn, thử thách. Trong đó EVN sẽ khó cân đối được tài chính do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá ...
"Việc đảm bảo cung ứng điện dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc và diễn biến bất thường của thời tiết, thủy văn; việc đảm bảo nhiên liệu (than, khí...) vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; mất cân đối trong cân đối cung cầu giữa các miền, trong đó miền Bắc không có dự phòng nguồn điện.
Công tác đầu tư xây dựng các dự án điện tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi triển khai các thủ tục đầu tư, huy động vốn, bố trí quỹ đất và bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, việc chuyển đổi mục sử dụng rừng ngày càng khó khăn, phức tạp, cùng với các vướng mắc mới xuất hiện trong năm 2023... sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án nguồn và lưới điện", lãnh đạo EVN nhận định.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Tập đoàn xây dựng kế hoạch năm 2024 với yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%, đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tập đoàn được phát triển bền vững.
EVN cũng kiến nghị sớm phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN, thực hiện tách A0, giải quyết vướng mắc triển khai các dự án để đẩy nhanh tiến độ công trình, các đơn vị liên quan đảm bảo cấp than cho điện...
VTC