MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao thu hồi giấy phép 1 văn phòng đại diện Ngân hàng Trung Quốc tại Hà Nội?

21-08-2019 - 13:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngày 12/8/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1681/QĐ-NHNN về việc thu hồi Giấy phép Văn phòng đại diện Ngân hàng Agricultural Bank of China Limited tại Hà Nội.

Trước thông tin bạn đọc quan tâm về nguyên cớ của việc thu hồi, Tiền phong đã trao đổi nhanh với một đại diện cơ quan thanh  tra giám sát NHNN. Theo vị này, việc thu hồi giấy phép có 3 trường hợp cụ thể là: tổ chức tự đề nghị thu hồi giấy phép, bị thu hồi giấy phép và bị phá sản.

“Trường hợp thu hồi Giấy phép Văn phòng đại diện Ngân hàng Agricultural Bank of China Limited tại Hà Nội rơi vào lý do đầu tiên, đó là tự đề nghị thu hồi giấp phép. Hiện Ngân hàng Agricultural Bank of China Limited đã thành lập chi nhánh tại Hà Nội nên việc để Văn phòng là không cần thiết. Còn họ không có vi phạm gì”, vị đại diện cơ quan thanh tra cho biết.

Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động. Trong đó, ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam vốn là những tên tuổi quen thuộc và hoạt động dưới hình thức ngân hàng 100% vốn ngoại từ gần một thập kỷ qua. Ngoài ra còn có 51 Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 51 Văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài và 2 Ngân hàng liên doanh.

Trước đó, theo tìm hiểu của Tiền phong, NHNN đã từng ký ban hành Thông tư số: 24/2017/TT-NHNN (ngày 12/9/2017) về quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời cũng quy định rõ về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của TCTD, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng theo điều lệ của tổ chức và Thống đốc NHNN là người có quyền được ra quyết định việc thu hồi giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động của các tổ chức được đề cập ở trên.

Đồng thời cũng không được phép ký kết thỏa thuận, hợp đồng mới trừ các thỏa thuận, hợp đồng nhằm thực hiện chấm dứt hoạt động hay tặng, cho, cầm cố, thế chấp và cho thuê tài sản hoặc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.

3 trường hợp bị thu hồi

Quy trình thu hồi Giấy phép của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong 3 trường hợp cụ thể là tổ chức tự đề nghị thu hồi giấy phép, bị thu hồi giấy phép và bị phá sản.

Trường hợp tổ chức tự đề nghị thu hồi Giấy phép thì phải phải thuê tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan chuyên môn đánh giá thực trạng tài chính, định giá tài sản và xác định giá trị doanh nghiệp trong quý gần nhất và trong năm liền kề trước thời điểm đề nghị. Đồng thời xây dựng phương án thanh lý tài sản trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán và lập hồ sơ gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Trường hợp bị thu hồi Giấy phép thì căn cứ kết quả thanh tra, giám sát; đề nghị của NHNN chi nhánh hoặc đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có tờ trình, đề nghị Thống đốc có văn bản đình chỉ hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày văn bản đình chỉ hoạt động có hiệu lực thi hành, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài phải xây dựng xong phương án thanh lý tài sản kèm hồ sơ thu hồi Giấy phép.

Trường hợp tổ chức tín dụng bị phá sản, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có tờ trình đề nghị Thống đốc ra quyết định thu hồi Giấy phép sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Trước đó, Thống đốc NHNN cũng từng ký quyết định thu hồi giấy phép văn phòng đại diện Ngân hàng National Australia Bank Limited (của Australia) tại Hà Nội cũng với nội dung trên. Theo quyết định trên, Ngân hàng National Australia Bank Limited có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động, đóng cửa văn phòng đại diện theo quy định.

Theo Khánh Huyền

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên