Vì sao trồng lúa nghèo nhất?
Mỗi 1kg lúa do hộ nông dân làm ra mất khoảng 3.500-4.000 đồng trong khi những người làm hợp tác xã hoặc những người trồng với diện tích lớn chỉ mất 1.800-2.000 đồng/kg. Nếu bán lúa với giá 4.300 đồng/kg thì nông dân riêng lẻ chỉ lãi có 300-400 đồng/kg. Không thể nào giàu được!
- 24-04-2016Thái Lan giảm mạnh diện tích trồng lúa vụ Hè Thu 2016
- 23-04-2016Trồng lúa nghèo nhất
- 31-03-2016Doanh nghiệp Việt sang Campuchia trồng lúa
Tại một cuộc hội thảo mới đây, thông tin ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đưa ra rất đáng chú ý. Khảo sát cho thấy, 70% thu nhập của người nông dân đến từ các hoạt động phi nông nghiệp. Người nông dân trồng lúa gạo lại chính là người nghèo nhất so với những người trồng hoa màu, thực phẩm khác. Tình trạng này diễn ra chung ở các miền.
Chưa hết, một gia đình ít nhất phải có 2ha để có mức thu nhập vượt qua "ngưỡng" nghèo và ít nhất phải có 3ha mới có mức thu nhập trung bình.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp cũng thừa nhận thực tế này.
Theo phân tích của GS. Võ Tòng Xuân, nông dân trồng lúa hiện nay chủ yếu trồng với diện tích nhỏ, không có tích lũy, làm thủ công nhiều hơn, giá mua nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao hơn so với người nông dân “làm ăn lớn”.
Ví dụ, 1kg lúa do hộ nông dân làm ra mất khoảng 3.500-4.000 đồng, trong khi những người làm hợp tác xã hoặc những người trồng với diện tích lớn hơn chi phí chỉ mất 1.800-2.000 đồng/kg. Nếu bán lúa với giá 4.300 đồng/kg thì nông dân riêng lẻ chỉ lời có 300-400 đồng/kg. Không thể nào giàu được!
GS. Võ Tòng Xuân khẳng định như vậy và khuyến cáo thêm: “Nông dân trồng lúa diện tích nhỏ thì bao giờ cũng nghèo, càng vận động trồng lúa thì người nông dân sẽ nghèo mãi”.
Vậy để thoát nghèo cho người nông dân, cần phải làm gì, thưa Giáo sư?
Tôi cho rằng cần phải thay đổi tư duy đừng bắt trồng lúa, cần tổ chức lại hạ tầng cơ sở để người nông dân tham gia trồng những cây khác có lãi nhiều hơn như cây ăn quả, trồng rau, nuôi tôm... Hoặc như, có thể khuyến khích người nông dân trồng xen canh lúa với 1 vụ tôm; tôm cho giá trị gấp 5-10 lần 1 vụ lúa. Chỉ có làm như vậy thì nông dân mới thoát nghèo.
Tuy nhiên, nếu không khuyến khích trồng lúa thì bài toán an ninh lương thực của chúng ta sẽ giải quyết ra sao?
Như tôi đã nói, chúng ta có thể trồng xen canh lúa với nuôi tôm, tức là mùa mưa vẫn trồng lúa, còn mùa khô không có nước ngọt thì chuyên sang nuôi tôm bởi trồng lúa rất tốn tài nguyên nước. Vùng nào đất tốt có lời nhiều thì tiếp tục trồng lúa 2 vụ/năm, vùng tốn nước năng suất bấp bênh thì dẹp.
Ví dụ, Đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa của Việt Nam có khoảng 2 triệu ha, chúng ta dành 1 triệu ha trồng lúa là được, còn lại sử dụng vào việc khác như cây ăn trái, cây ngô, đậu tương, nơi không có nước ngọt thì nuôi tôm.
Do vậy, bài toán an ninh lương thực của chúng ta không có vấn đề gì đáng lo lắng và có rất nhiều cách để nông dân khá lên.
Ông có cho rằng, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo chất lượng hạt gạo cũng chính là “chìa khóa” để giúp người nông dân khá lên?
Đúng vậy. Đây là vấn đề bắt buộc bởi để nông dân một mình lo đủ thứ thì rủi ro nhiều. Khi nông dân liên kết với nhau thành hợp tác xã, tập đoàn có doanh nghiệp đứng ra "chăm sóc" sẽ mua được nguyên liệu đầu vào rẻ hơn khi đó chi phí giá thành giảm xuống giúp cho người nông dân có lãi nhiều hơn. Chưa kể, hạt gạo làm ra có cùng chủng loại giúp cho việc xây dựng thương hiệu gạo dễ dàng hơn và gạo Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn với các nước.
Thưa Giáo sư, hiện nay có 1 nghịch lý là trong khi doanh nghiệp FDI đổ dồn đầu tư vào nông nghiệp thì các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa mấy quan tâm đến lĩnh vực này. Có phải do cơ chế chính sách cho nông nghiệp chưa có?
Theo tôi được biết, hiện đã có rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp như chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mô hình liên kết 4 nhà (chính quyền, doanh nghiệp, ngân hàng, nông dân)… nhưng trên thực tế doanh nghiệp “ngán ngẩm” với những chính sách này vì tham nhũng.
Người cần vay thì không vay được, người vay được vì có mối quen biết với người ký dự án nhưng lại đầu tư vào lĩnh vực khác. Chính vì vậy, doanh nghiệp chán nản, không quyết tâm tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng, chính sách đó nên giao lại cho ngân hàng, họ thẩm tra dự án, đúng người cho vay theo đúng chủ trương. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể tranh thủ được ưu đãi của Nhà nước.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Báo hải quan