MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao tỷ lệ thanh niên Việt Nam tham gia lực lượng lao động cao nhưng lại khó hội nhập quốc tế?

Vì sao tỷ lệ thanh niên Việt Nam tham gia lực lượng lao động cao nhưng lại khó hội nhập quốc tế?

Chiều ngày 29/1, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của Thanh niên trong các vấn đề phát triển và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do Hội đồng Anh tại Việt Nam, Viện Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế phối hợp cùng Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổ chức.

Phát biểu tại đây, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, bà Donna McGowan nhấn mạnh: "Cách ứng phó với đại dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, việc giới trẻ Việt Nam cảm thấy tiếng nói của họ được lắng nghe, quan điểm của họ có giá trị và các đề xuất của họ có ý nghĩa với một quốc gia đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".

Vì sao tỷ lệ thanh niên Việt Nam tham gia lực lượng lao động cao nhưng lại khó hội nhập quốc tế? - Ảnh 1.

Hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề phát triển và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" theo hình thức trực tuyến.

Liên quan đến vai trò và sự tham gia của thanh niên trong sự phát triển, TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) chia sẻ, cần làm rõ khái niệm thanh niên và phát triển thanh niên. Các tổ chức về thanh niên trên thế giới đều có những khái niệm khác nhau về thanh niên, chủ yếu sự khác biệt theo độ tuổi.

Phát triển của thanh niên không thể thiếu vai trò quan trọng của chính sách

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, khi nói về phát triển thanh niên, tức là cần phải bàn về nội hàm hỗ trợ thanh niên như thế nào, có chính sách, cơ chế nào để thanh niên có thể phát huy năng lực của mình. Cụ thể, phát triển thanh niên là nâng cao vị thế của thanh niên, làm cho thanh niên có thể đóng góp và hưởng lợi, nhấn mạnh vào tư cách là thành viên tích cực trong xã hội. Đồng thời, thanh niên được tham gia và có tiếng nói trong việc ra các quyết định ảnh hưởng đến họ.

Thông qua việc hướng đến những điểm tích cực của thanh niên, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị. Trên thế giới hiện nay, bộ chỉ số phát triển thanh niên gồm 18 chỉ số. Dù ở mỗi quốc gia có nội hàm khác nhau, nhưng tựu chung lại có các yếu tố cơ bản như giáo dục, sức khỏe, việc làm… Đây là tiền đề, mục tiêu để đạt được sự phát triển tốt nhất của thanh niên.

"Tất nhiên, sự phát triển của thanh niên không thể thiếu vai trò quan trọng của chính sách. Bởi thanh niên không thể tự phát triển được mà cần các yếu tố bao quanh làm nền tảng phát triển thanh niên. Những năm gần đây có nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên, khuyến khích tài năng trẻ đóng góp cho xã hội, trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, việc làm…", TS. Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Các chính sách nhằm nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực giữa thanh niên với xã hội, vừa đáp ứng được yêu cầu của xã hội với thanh niên, vừa tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp để hạn chế tác động tiêu cực của xã hội đến thanh niên.

Liên quan đến cuộc phòng chống đại dịch Covid-19, ông Tuấn Anh chỉ rõ, thời gian qua thanh niên đã có đóng góp rất lớn trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số hiện tượng như từ thiện còn mang tính tự phát. Sự đóng góp là có, nhưng do tự phát nên hiệu quả chưa cao, hoặc mục đích bị bóp méo, đôi khi không chính thống.

3 vấn đề cần giải quyết trong phát triển thanh niên

"Khi đó, tổ chức đoàn thể phải làm gì để thanh niên có thể giúp đỡ cộng đồng, lại vừa phát huy vai trò của thanh niên trong cộng đồng này, đảm bảo từ thiện có tổ chức, có hiệu quả?", ông Tuấn Anh đặt vấn đề. Theo đó, TS. Tuấn Anh đưa ra một số vấn đề để có thể giải quyết trong tương lai.

Thứ nhất, vấn đề thanh niên và dân số.

Tỉ lệ thanh niên trong nhiều năm, đặc biệt là 10 năm trở lại đang có xu hướng giảm và giảm liên tục. Sự sụt giảm này rút ngắn khoảng thời gian dân số vàng và tiến tới già hóa dân số nhanh hơn trong khi lực lượng thanh niên giảm sút.

Vấn đề chênh lệch giới tính cũng càng ngày gia tăng, đặt ra vấn đề mất cân bằng giới tính và nhiều vấn đề xã hội khác. Ví dụ như nam giới khó lấy vợ, đưa phụ nữ qua biên giới...

Thanh niên kết hôn muộn hay kết hôn không sinh con cũng phổ biến. Hiện tượng này trước đây chỉ xuất hiện ở vùng đô thị nhưng ngày nay nông thôn cũng có rất nhiều. Đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra.

Thứ 2, vấn đề việc làm của thanh niên.

Thống kê năm 2020, tỷ lệ thanh niên có việc làm là 94,9%, trong đó có 98,7% thanh niên đủ việc làm và 1,3% thiếu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên là 5,06%, cao hơn năm 2019. Mặc dù tỷ lệ thanh niên tham gia lực lượng lao động khá cao (79,8%), nhưng lại không được đào tạo kỹ thuật. Thanh niên sẽ khó hội nhập quốc tế khi không thuần thục về nghề.

Thứ 3, sự tham gia vào ra quyết định của thanh niên.

Thanh niên ngày càng thể hiện tiếng nói đối với gia đình và xã hội. Tuy nhiên, ở một số địa phương thì tiếng nói của thanh niên chưa được xem trọng, thanh niên không có cơ hội thể hiện ý kiến của mình hay hoạt động đối thoại của thanh niên chưa được thực hiện thường xuyên.

Việc trao đổi ý kiến với lãnh đạo địa phương cũng rất hạn chế. Vì vậy, nhiều thanh niên cảm thấy bế tắc khi mong muốn cống hiến nhưng lại không có cách nào để cống hiến được. Đại dịch Covid-19 giúp nhận ra được vai trò của thanh niên. Đồng thời, đây cũng là thử thách đối với thanh niên, làm sao để phát huy được giá trị của mình và vượt qua những tác động tiêu cực từ đại dịch.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên