MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Việt Nam cần giữ vị trí số một xuất khẩu gạo tại Philippines?

29-02-2024 - 19:11 PM | Thị trường

Nhiều thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Philippines, Indonesia… được dự báo sẽ tăng nhập khẩu trong năm 2024.

Ngày 29-2, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình Hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024.

Vì sao Việt Nam cần giữ vị trí số một xuất khẩu gạo tại Philippines?- Ảnh 1.

Hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy trong năm 2024, nguồn cung gạo trên thị trường thương mại toàn cầu được dự báo giảm; trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục chịu tác động từ việc Ấn Độ thực hiện chính sách tạm ngừng xuất khẩu gạo.

Cùng với đó, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023-2024 được dự báo ở mức 167,2 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.

Trong khi đó, tín hiệu khả quan trong dự báo nhập khẩu vẫn xuất hiện tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Philippines; các thị trường Việt Nam có lợi thế với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết như khối EU, Hàn Quốc, Nhật Bản; hay các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng như Mỹ hay các quốc gia Trung Đông.

Từ thực tiễn thị trường gạo, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho rằng năm 2024, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự kiến khoảng từ trên 3,5 triệu đến 3,8 triệu tấn.

Ông Thành thông tin Philippines trong những năm gần đây luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, Thương vụ kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng vẫn cần phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Với thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương vụ Việt Nam tại Indonesia, cho hay ngày 26-2-2024, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan thông tin tổng lượng gạo nhập khẩu dự kiến của Indonesia mà Chính phủ đã quyết định nhập trong năm 2024 là 3,6 triệu tấn, tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.

Hiện, Indonesia đang đứng trước tình hình thiếu hụt gạo nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramdan của người Hồi giao sẽ bắt đầu trung tuần tháng 3-2024 và kéo dài trong 1 tháng khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. 

"Dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17-1-2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn)"- ông Cường cho biết. 

Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.

Theo Cục xuất nhập khẩu, ước tính sơ bộ đến hết tháng 1-2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512 ngàn tấn, trị giá 362 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Thuỳ Linh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên