Vị trí của Hà Nội và TP. HCM thay đổi ra sao trong bảng xếp hạng mới nhất về các thành phố đắt đỏ nhất thế giới?
Mới đây, Mercer - công ty quản lý tài sản của Mỹ, đã công bố khảo sát chi phí sinh hoạt năm 2021, trong đó xếp hạng chi phí sinh hoạt của các thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
- 26-04-2021Tại sao sống ở Thanh Hóa, Cà Mau, Cần Thơ... ngày càng đắt đỏ?
- 02-04-2021Hà Nội là thành phố đắt đỏ nhất cả nước, nhưng xếp hạng của Hải Phòng, Lào Cai mới đáng ngạc nhiên
Theo kết quả khảo sát, thành phố Hà Nội đã giảm bậc từ vị trí thứ 116 trong cuộc khảo sát năm ngoái xuống đứng thứ 139 trong bảng xếp hạng năm nay, giảm 23 bậc. Trong khi đó, TP. HCM cũng tụt xuống vị trí thứ 143, giảm 32 bậc so với năm trước. Việt Nam có 2 thành phố nằm trong bảng xếp hạng này.
Cũng theo khảo sát này, thành phố Ashgabat đã vượt qua Hong Kong trở thành thành phố đắt đỏ nhất. Trong khi, Hong Kong bị đẩy xuống vị trí thứ hai, thủ đô Beirut của Liban từ vị trí thứ 45 trong năm ngoái, lên vị trí thứ 3 và thủ đô Tokyo của Nhật Bản giảm một bậc xuống vị trí thứ 4 trong năm nay.
Turkmenistan hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu khí đốt tự nhiên và đang chật vật phục hồi kinh tế do giá năng lượng trên toàn cầu giảm trong năm 2014. Điều này khiến đồng nội tệ của họ - manat giảm giá mạnh và đẩy nhiều người dân vào cảnh đói nghèo.
Thụy Sĩ có tới 3 thành phố nằm trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, gồm Zurich (đứng thứ 5), Geneva (đứng thứ 8) và Bern (đứng thứ 10). Hai siêu đô thị của Trung Quốc cũng trong nằm trong top 10 là Thượng Hải, giảm một bậc xuống vị trí thứ 6, trong khi Bắc Kinh tăng hạng lên vị trí thứ 9. Singapore giữ vị trí thứ 7.
Các thành phố của Mỹ đều xuống hạng trong năm nay, phần lớn do sự dao động của tỷ giá đồng đô la Mỹ. New York giảm 8 bậc xuống vị trí thứ 14.
Theo kết quả khảo sát, thành phố ít đắt đỏ nhất đối với người lao động nước ngoài là thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, ở vị trí thứ 209.
Cuộc khảo sát được thực hiện tại hơn 400 thành phố trên khắp thế giới; Bảng xếp hạng năm nay bao gồm 209 thành phố trên khắp 5 châu lục và đo lường chi phí so sánh của hơn 200 mặt hàng ở mỗi địa điểm, bao gồm nhà ở, phương tiện đi lại, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng và giải trí.