VIB lao về giá trị thực?
Việc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) công bố giá chào sàn UPCoM ở mức 1.7 đã khiến giới đầu tư hết sức ngỡ ngàng, bởi mức giá quá cao so với mặt bằng giá CP ngân hàng hiện tại. Đúng như dự báo, VIB đã liên tục rớt giá trong những phiên giao dịch gần đây.
- 09-01-2017Cổ phiếu VIB chính thức chào sàn, giá tham chiếu 17.000 đồng/cổ phiếu
- 09-01-2017VIB Bank lên sàn với giá cao hơn cổ phiếu của Vietinbank và BIDV, “điều kỳ diệu” gì sẽ được tạo ra?
- 09-01-2017VIB hôm nay lên sàn
Định giá quá cao
Hơn 564,4 triệu CP VIB chính thức chào sàn UPCoM trong phiên giao dịch ngày 9-1 với giá tham chiếu 17.000 đồng/CP. Phiên chào sàn của VIB diễn ra khá thành công khi ghi nhận mức tăng xấp xỉ 9% lên 18.500 đồng/CP. Thế nhưng, mọi chuyện nhanh chóng thay đổi kể từ phiên giao dịch ngày 11-1. Trước áp lực bán ra khá mạnh từ phía NĐT đang nắm giữ, VIB có 3 phiên giảm giá liên tục, trong đó có 2 phiên giảm mạnh vào ngày 12 và 13-1, với tỷ lệ giảm lên đến 20%. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, VIB giảm chỉ còn 15.200 đồng/CP.
Cổ đông chiến lược của VIB là Commonwealth Bank of Australia (CBA) đang nắm 20% cổ phần. Do đó, việc VIB chốt room cho khối ngoại ở mức 20,5%, có nghĩa chỉ còn 0,5% số lượng CP lưu hành dành cho NĐTNN khi niêm yết, tương đương 2,8 triệu CP.
Theo nhận định của giới đầu tư, phiên tăng giá ngày chào sàn của VIB có phần may mắn, bởi thời điểm này nhóm CP ngân hàng đang dẫn đầu sóng tăng trên thị trường. Ngoài yếu tố này, có nhận định cho rằng VIB bị đẩy giá trong ngày chào sàn để các tổ chức có thể thoái vốn với giá cao khi cần thiết. Tuy nhiên, khi nhóm CP ngân hàng quay đầu điều chỉnh, VIB trở thành mã CP bị bán ra mạnh nhất và dĩ nhiên mã CP này cũng giảm mạnh nhất. Việc VIB giảm về mức giá như hiện tại là điều đã được dự báo trước. Đó là nếu so với những mã CP ngân hàng đang niêm yết như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) hay Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BID), mức giá chào sàn của VIB là quá cao. Cụ thể, tại thời điểm VIB chào sàn, giá CP của 2 ngân hàng này chỉ ở mức 16.650 đồng/CP và 15.750 đồng/CP.
Vậy đâu là lý do để VIB đưa ra mức giá trên? Trong bảng công bố thông tin, VIB không cho biết phương pháp định giá CP, nhưng theo số liệu công bố giá trị sổ sách của ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 9-2016 là 17.596 đồng. Như vậy, VIB đưa ra mức giá chào sàn dựa trên giá trị sổ sách. Còn nếu xét về tỷ suất sinh lời như lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), VIB đứng gần áp chót so với các ngân hàng đang niêm yết, đặc biệt với CTG và BID. Cụ thể, ROE và ROA dựa trên BCTC năm 2015 của CTG lần lượt đạt 16,97% và 0,84%, còn BID đạt lần lượt 10,28% và 0,79%, trong khi đó ROE và ROA của VIB chỉ đạt 6,09% và 0,63%.
Không kỳ vọng
Đánh giá về VIB, các chuyên gia trong ngành nhận định đây là một ngân hàng khá đặc biệt. Nằm trong nhóm các ngân hàng có quy mô trung bình, hoạt động khá ổn định nhưng không có điểm gì thực sự ấn tượng, cả trong kết quả kinh doanh lẫn sản phẩm tài chính. Theo BCTC 9 tháng năm 2016, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 408 tỷ đồng (bằng 60% kế hoạch cả năm 2016). Với kết quả này, khả năng VIB hoàn thành kế hoạch năm 2016 không nhiều. Được biết, tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 11-2016 của VIB đạt xấp xỉ 18%; tỷ lệ tín dụng/huy động hiện tại cũng đã ở mức cao 89,3%. Như vâỵ, nhiều khả năng VIB khó đạt được đúng mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch 25%.
Ngoài những yếu tố bất lợi trên, theo CTCK MB (MBS), lý do khiến NĐT không kỳ vọng với CP VIB là dấu hiệu cho thấy cơ cấu cho vay mảng bán lẻ của VIB trong năm 2016 giảm đáng kể so với các năm 2015. Cụ thể, tỷ trọng cho vay mảng bán lẻ tiếp tục giảm từ năm 2014 (hơn 60%) xuống còn 53% năm 2015 và 47% trong 9 tháng năm 2016. Biên lãi ròng (NIM) trong 9 tháng của ngân hàng giảm còn 2,78% so với 3% cuối năm 2015. Đại diện VIB cho biết họ vẫn kỳ vọng NIM sẽ tăng nhờ vào các khoản cho vay tín dụng có NIM cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc VIB sẽ thay đổi khẩu vị rủi ro đối với các khoản cho vay, chấp nhận các khoản vay rủi ro hơn so với trước đây. Tuy nhiên, MBS không cho rằng đây là yếu tố tích cực cho hoạt động của VIB trong thời gian tới. Bởi lẽ, nếu xét về chất lượng tài sản hiện tại, hệ số lãi và phí phải thu/doanh thu lãi 4 quý của VIB là 23%, tương đối cao so với các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) hay Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB).
Xét trên các yếu tố cơ bản, VIB cũng không được đánh giá cao. Chẳng hạn, chi phí trích lập dự phòng tính đến tháng 9-2016 của VIB tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng phần lớn là dự phòng cho trái phiếu VAMC. Khoản dự phòng rủi ro tín dụng hiện tại của VIB là 620 tỷ đồng (giảm 2% so với đầu năm 2016). Hệ số chi phí trích lập/nợ xấu của VIB chỉ đạt 75%, so với mức trên 100% của những ngân hàng thực hiện trích lập mạnh mẽ như VCB hay MBB. Ngoài ra, VIB có số dư trái phiếu VAMC rất lớn so với quy mô dư nợ 3.281 tỷ đồng, tương đương 6,15% dư nợ cho vay (cao hơn nhiều ngân hàng khác). Như vậy, gánh nặng trích lập dự phòng sẽ vẫn ảnh hưởng đến lợi nhuận của VIB trong thời gian tới, trước mắt là trong năm 2017 này.
Điểm tích cực của VIB là một trong những ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao nhất hệ thống và mức chi trả cổ tức tương đối cao. Cụ thể, VIB đã chi trả cổ tức các năm 2014 và 2015 là 23,5% và 25% (bao gồm cả tiền mặt và CP thưởng). Tính đến tháng 11-2016, CAR của VIB là 16% (giảm so với 18% cuối năm 2015). Điều này cho thấy, trước thềm áp dụng Basel II, sức ép phải tăng vốn chủ sở hữu dẫn đến rủi pha loãng CP đối với VIB tương đối thấp so với các ngân hàng khác.
Sài Gòn Đầu tư Tài chính