Mẹo “thuần hóa” sếp tồi
Có rất nhiều kiểu sếp tồi: sếp nhỏ nhen, sếp chuyên quyền, sếp lười biếng, sếp “nẫng” tay trên của cấp dưới… Bạn sẽ làm gì khi phải làm việc dưới quyền những vị sếp như vậy?
- 28-04-20126 “mẹo” làm thân với sếp cũ
- 31-08-2011Lần đầu làm sếp - Những mẹo mực quản lý độc đáo và thú vị dành cho các nhà lãnh đạo
Một sự thật đáng buồn là sếp “xấu tính” không phải là trường hợp hiếm gặp. Nếu không may, bạn sẽ phải làm việc dưới “trướng” của anh/ cô ấy. Bạn có thể nghỉ việc vì không muốn chấp nhận sếp nhưng nếu tình hình tài chính của bạn khó khăn hay bạn yêu thích công việc hiện tại, bạn phải chịu cảnh “sống chung với lũ”. Hãy coi mối quan hệ sếp – nhân viên này giống như bất cứ thử thách khác bạn cần phải kiểm soát và vượt qua trong sự nghiệp.
“Nhiều người coi sếp là tất cả và làm mọi việc để làm hài lòng anh/ cô ấy. Nhưng sự thật sếp không phải người toàn năng như thế. Nhận thức được điều này sẽ giúp bạn chiến thắng cuộc chơi tâm lý với sếp”, Wendy Kaufman, CEO của một công ty đào tạo nhân sự, cho biết.
Dưới đây là một số “mẹo” nhỏ giúp bạn cải biến sếp “xấu tính” theo chiều hướng tích cực hơn:
Chuẩn bị sẵn tư tưởng
Đừng mặc cảm cho rằng cách xử sự “xấu tính” của sếp chỉ nhằm riêng vào bạn. Nếu quan sát và nói chuyện với người khác, bạn có thể phát hiện ra sếp cũng như vậy với bất cứ ai. Vì vậy, hãy chuẩn bị sẵn tư tưởng thoái mái hơn để những lời trách mắng hay hành động “xấu xí” của anh/ cô ấy không khiến bạn hoàn toàn suy sụp.
Tránh những cuộc chạm trán căng thẳng
Sếp “xấu tính” thường dễ trở nên khó chịu, hay cáu bẳn. Bạn không nên có tâm trạng tương tự như sếp khi 2 người đang tranh luận. Hãy lùi lại và nói rằng “Tôi hi vọng được nói chuyện với sếp vào một điềm khác nhưng không phải theo cách này”. Dù sếp làm gì ảnh hưởng tới bạn, hãy cố gắng bình tĩnh và tìm cách giải quyết theo chiều hướng hòa bình, chuyên nghiệp. Đừng chỉ vì một phút nông nổi, danh tiếng cả sự nghiệp của bạn bị phá hủy.
Tự tin thể hiện năng lực bản thân
Sếp xấu tính có thể khiến bạn mất tinh thần nhưng hãy tiếp tục làm tốt công việc và thể hiện năng lực của bạn. Những nhà lãnh đạo cấp cao hơn và đồng nghiệp sẽ chú ý và đánh giá một cách chính xác ai cư xử thiếu lành mạnh và ai xứng đáng được tôn trọng trong công việc.
Ghi lại “chứng cớ”
Hãy ghi lại những hành động khó chấp nhận ở sếp và lưu lại những email hay bất cứ bằng chứng thể hiện thói xấu của anh/ cô ấy. Đây là sẽ những chứng cớ xác thực để bảo vệ chính bản thân khi sếp cố tình “gây sự” với bạn. Hơn ai hết, bạn phải tự học cách phòng ngừa mọi trường hợp có thể xảy ra.
Tận hưởng niềm vui cá nhân
Công việc không phải là tất cả. Đừng vì đắm chìm vào tính xấu của sếp mà quên đi những thứ quan trọng khác. Bạn hãy tận hưởng những giây phút vui vẻ bên gia đình, bạn bè khi rảnh rỗi. Nếu hết ngày làm việc, bạn có thể đón nhận niềm vui trong cuộc sống riêng, tất cả những điều “xấu xa” sếp nói hay làm sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng tới bạn.
Theo Vũ Vũ
Dân Trí/AOL