MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành được triển khai quyết liệt

Tại buổi họp báo chiều 23/12 của Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến- Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Năm 2016, các đơn vị đã thoái vốn được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt.

Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính- ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư), các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm), các tập đoàn, Tổng công ty đã thoái 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng.

Đối với thoái vốn ở Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), SCIC đã bán vốn tại 67 doanh nghiệp với giá trị là 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ đồng. ‘Số liệu của SCIC không bao gồm khoản bán đấu giá cổ phần của Vinamilk vì mới đấu giá cổ phần ngày 12/12/2016, đơn vị trúng thầu chưa hoàn tất việc chuyển tiền đấu giá”, ông Tiến nói.

Theo Bộ Tài chính, nếu tính cả giai đoạn 2011- 2015, các đơn vị đã thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng (số thu về giảm so với sổ sách do Tập đoàn Dầu khí thoái 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,3 tỷ đồng với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước).

Giai đoạn 2011 - 2015, SCIC đã tiếp nhận 67 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách kế toán là 1.666 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay lên gần 1.000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 411 doanh nghiệp, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỷ đồng, giá vốn 3.595 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.

Để đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng như thoái vốn hiệu quả thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp. “Nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hoá, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản. Thực hiện niêm yết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đã cổ phần hoá trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế”, đại diện Bộ Tài chính nói.

Theo Minh Phương

TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên