Viện trưởng Viện dinh dưỡng chia sẻ 3 cách tăng cường miễn dịch phòng ngừa bệnh Covid-19
GS Lê Danh Tuyên cho rằng, nâng cao miễn dịch của cơ thể là cách phòng bệnh Covid-19 bên cạnh các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang và hạn chế nơi đông người.
- 15-03-20204 triệu chứng cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đã suy yếu, rất dễ bị virus tấn công
- 15-03-2020Chăm sóc sức khoẻ người lớn tuổi trong đại dịch Covid-19 như thế nào?
3 lưu ý trong ăn uống
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam số ca mắc ngày ghi nhận nhanh. Các chuyên gia y tế dự phòng khẳng định sức đề kháng của mỗi người tốt sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Để đảm bảo có một sức khỏe tốt, GS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng mọi người cần phải đảm bảo dinh dưỡng cả về số lượng và chất lượng.
Thứ nhất: Ăn đầy đủ các chất sinh năng lượng như: chất béo, chất đạm, chất bột đường. Hiện nay, Viện Dinh dưỡng xây dựng tháp dinh dưỡng cho các nhóm tuổi và tình trạng sinh lý nhằm hướng dẫn cho người dân lượng thực phẩm cần sử dụng trong một ngày để có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Tháp dinh dưỡng có 6 tầng tử đỉnh tháp xuống đáy tháp, mỗi bữa ăn cần có trên 10 loại thực phẩm từ các tầng của tháp. Để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ cân đối phù hợp với nhu cầu khuyến nghị, cần áp dụng theo đúng số lượng đơn vị ăn tương ứng với mỗi nhóm thực phẩm được thể hiện trên tháp dinh dưỡng.
Tháp dinh dưỡng cho sức khỏe người Việt.
Tháp dinh dưỡng cũng có các hình ảnh những món ăn. Trung bình nên có khoảng 10 loại thực phẩm.
4 nhóm chất dinh dưỡng là nhóm tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
Các loại rau, củ, quả cung cấp các yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Khi cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng đồng nghĩa với chúng ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh và tăng sức đề kháng.
Thứ hai: Trong thời gian xảy ra dịch, người dân có thể sử dụng thêm các viên đa vi chất dinh dưỡng nếu như ăn uống không đầy đủ theo tháp dinh dưỡng đưa ra, tuy nhiên cần sử dụng theo hướng dẫn của nhân viên y tế, không nên tùy tiện mua sử dụng.
GS Tuyên cho biết, các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường miễn dịch không chỉ có vitamin C mà còn có vitamin A, D, E, sắt, kẽm, selen và các chất chống oxy hóa như Flavonoid.
Vitamin A và Beta-caroten: Vitamin A có trong gan động vật, lòng đỏ trứng. Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) như: cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, và các loại quả có màu vàng/ màu đỏ…
Vitamin C: Giúp tăng cường hệ miễn dịch thông qua hỗ trợ sản xuất interferon (loại protein chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch).
Đây là chất dinh dưỡng giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, từ đó có tác dụng chống lại virus xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như: cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông…
Vitamin E: Vitamin E làm tăng khả năng miễn dịch, trong cơ thể nó tham gia chuyển hóa của các tế bào; bảo vệ màng tế bào khỏi bị ôxy hóa. Thực phẩm giàu vitamin E chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.
GS Lê Danh Tuyên.
Vitamin D: Là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Tuy nhiên, nguồn tổng hợp vitamin D là ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống.
Vì thế, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản…
Ngoài ra, các khoáng chất khác như: selen, sắt, kẽm cũng vô cùng quan trọng. Nguyên tố khoáng chất vi lượng selen là một chất chống oxy hóa mạnh. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như gạo nâu, lúa mạch, cá, tôm, rong biển… Các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu, cua... là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú.
Thứ ba: Mỗi người cần uống đủ nước từ 2-2,5 lít mỗi ngày tùy theo mức độ luyện tập thể thao. Mọi người thường có thói quen chờ đến lúc khát mới uống điều này không tốt cho cơ thể. Mỗi lần chỉ uống lượng nước vừa phải, không uống quá nhiều nước một lúc.
Không uống nước đun đi đun lại nhiều lần, không uống nước đun sôi đã để quá 2 ngày. Các loại nước như nước ngọt có ga, các loại đồ uống có caffein không thể thay thế nước lọc.
Trí thức trẻ