Viết bài luận về chủ đề trượt trường chuyên, nữ sinh đỗ cùng lúc 16 ĐH danh tiếng: Khi dám sai - dám sửa và trưởng thành!
Nói về cô bạn Gen Z này, có rất nhiều điều thú vị.
- 15-07-2024Cả công trường dừng thi công khẩn cấp vì máy xúc đào trúng cây gỗ dài 20m: Cảnh sát phong tỏa hiện trường, chuyên gia khẳng định đó là "báu vật" có giá trị gần 70 tỷ đồng
- 08-07-2024Một trường chuyên đình đám "nằm không" bỗng dưng "dính đạn": Phụ huynh liệt kê 4 kiểu học sinh không nên vào học
- 07-07-2024Nữ sinh Hà Nội học ngày 12 tiếng đỗ cùng lúc 4 trường chuyên
Xuất hiện trong danh sách những học sinh tiêu biểu của trường Marie Curie (Hà Nội) khóa 2021 - 2024, Hạ Bảo Ly (SN 2006, học sinh lớp 12M2) được biết đến là cô bạn vừa xinh vừa giỏi khi đỗ 16 trường đại học và giành học bổng nhiều trường danh tiếng cả trong và ngoài nước. Hào nhoáng của một cô "nữ sinh tiêu biểu" là sự đánh đổi bằng nhiều ngày tháng nỗ lực với một mục tiêu mang tên: Du học.
1001 những "kiếp nạn" không báo trước
Hành trình du học đối với bất kỳ học sinh nào chưa bao giờ là điều dễ dàng và hành trình du học của Ly cũng không phải ngoại lệ. Đặt mục tiêu "xuất ngoại" từ lớp 10, Bảo Ly đã lên kế hoạch học tập thật tốt, cùng với đó tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Trong hơn 1.000 ngày chuẩn bị cho mục tiêu cuối cùng mang tên "du học", Ly gặp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau tất cả, quãng thời gian Ly ôn thi các chứng chỉ chuẩn hóa mới thật sự khiến cô bạn "ét o ét" nhất. Như mọi người đã biết, để apply du học Mỹ hay Úc, IELTS là chứng chỉ cần có trong bộ hồ sơ. Và cô bạn đã trải qua nhiều lần thi chứng chỉ mới đạt được mục tiêu đề ra là 7.0 IELTS.
Vượt qua giai đoạn ôn thi các chứng chỉ chuẩn hóa, Ly lại phải đối diện với "kiếp nạn" tiếp theo đó chính là viết bài luận. Cùng với IELTS, bài luận cũng đóng vai trò quan trọng trong bộ hồ sơ. Và để gây ấn tượng với ban tuyển sinh các trường, một ý tưởng viết luận độc đáo là cần thiết.
Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, Ly quyết định sẽ thể hiện một cách rõ ràng nhất quan điểm "Who am I?" trong bài luận của mình. Vậy thì "Who am I?" - đó chính là "tôi" - một bản thể không hoàn hảo và có nhiều khuyết thiếu. Trong đó, Ly chọn cách triển khai ý tưởng về quá khứ… trượt trường chuyên của mình.
"Trượt chuyên" - một chủ đề về thất bại mà có lẽ chẳng mấy ai tự hào khi nhắc tới, hay sẽ e dè ít nhiều khi kể lại về cú "sảy chân" của bản thân. Tuy nhiên, ở bài luận, Ly đã thể hiện một cách khéo léo mọi thứ. Theo đó, cô bạn cho rằng thất bại ấy không phải "tận cùng của thế giới", và sẽ không vì lý do ấy mà ta không thể bước tiếp. Hành trình phía trước của chúng ta còn rất dài và môi trường không hoàn toàn quyết định số phận chúng ta sau này là ai.
"Mình mong rằng, bài luận của bản thân sẽ phần nào đó giúp các bạn gặp hoàn cảnh tương tự có thể tìm thấy chút ít động lực nào đó để vượt qua khoảng thời gian khó khăn ấy, giống như cách mà mình đã vượt qua nó và sống thật hạnh phúc trong suốt những năm sau này. Bên cạnh đó, qua bài luận, mình cũng thể hiện tư tưởng ‘dám đối diện với thất bại’, để từ đó ta trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, sống thực tế với cuộc đời không trải đầy màu hồng", nữ sinh tâm sự.
Điểm khác biệt giữa việc ứng tuyển du học Anh và Mỹ
Sở hữu bài luận hay cùng nhiều yếu tố khác cộng hưởng vào, kết quả cuối cùng mà Ly nhận được là "trái ngọt" đỗ tổng cộng 16 trường đại học, trong đó chủ yếu là các trường của Mỹ và Úc.
Về lý do "all in" vào các trường ở Mỹ và Úc, Ly nói: "Đây đều là những quốc gia không những phát triển về giáo dục mà còn ở mọi phương diện khác. Tại những đất nước này, sự giao thoa về văn hoá cũng như sự đa dạng về con người, sẽ giúp mình có được những trải nghiệm, kinh nghiệm tốt nhất cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp sau này dù cho là em có làm việc tại môi trường quốc tế hay Việt Nam".
Mỗi một quốc gia sẽ có những yêu cầu khác nhau về một bộ hồ sơ du học. Sau những trải nghiệm của bản thân, Bảo Ly rút ra được một số khác biệt trong quá trình làm hồ sơ Mỹ và Úc, cụ thể như sau:
- Ở Mỹ, những hoạt động ngoại khoá của ứng viên được đánh giá song song với khả năng học thuật, từ đó có những đánh giá toàn diện về học sinh. Bên cạnh đó, một số trường đại học ở Mỹ còn yêu cầu thí sinh có những buổi phỏng vấn 1-1 để hiểu rõ tính cách, tố chất và những giá trị mà học sinh này có thể mang lại cho trường.
- Ở Úc, các trường đại học ở đây lại đánh giá cao những học sinh có lợi thế về học thuật, từ đó sẽ đánh giá học sinh để đưa ra những quyết định về tuyển chọn và học bổng.
Tuy nhiên, dưới quan điểm của mình, nữ sinh cho rằng không phải vì Úc không đánh giá học sinh bởi các hoạt động ngoại khoá mà thiếu đi tính toàn diện, bởi chính nước Úc sau này sẽ cho học sinh môi trường để bộc lộ hết những khả năng về giao tiếp, tổ chức,...
Tóm lại, để có thể chuẩn bị được hồ sơ tốt cho cả hai quốc gia cùng một lúc, Ly nghĩ đó là sự chuẩn bị dài hạn trong suốt 3 năm cấp ba và đòi hỏi ở học sinh cần có mục tiêu rõ ràng, tính kỷ luật, và khả năng chịu áp lực tốt.
Ngoài ra, để có một bộ hồ sơ "đốn tim" ban tuyển sinh không, Ly nghĩ rằng các ứng viên nên thể hiện được góc nhìn và quan điểm cá nhân rõ nét, từ đó cho thấy được tố chất và năng lực của bản thân. Nữ sinh tin rằng mỗi bạn đều có cá tính và nét đặc biệt riêng, và điều đó nên được thể hiện thật tốt trong bài luận của mình.
"Mẹ là người khiến mình mạnh mẽ hơn trong mọi hoàn cảnh"
Chia sẻ ngoài lề bên cạnh chuyện học hành thi cử, khi được hỏi ai là người truyền động lực nhất cho bản thân trong quá trình làm hồ sơ du học, Ly không ngần ngại chia sẻ đó là mẹ. Đặc biệt vào những lúc nản lòng nhất, Ly luôn tìm đến gia đình để làm chỗ dựa tinh thần. Nữ sinh coi đó là nguồn động viên quý báu của mình.
"Mình luôn tìm đến mẹ để nhận được một chút 'vuốt ve' cảm xúc của bản thân mỗi khi đối diện với khó khăn. Mẹ luôn chia sẻ những khó khăn với mình và luôn khiến mình tin vào bản thân mình hơn", Ly chia sẻ.
Ngoài ra, mỗi khi rơi vào khủng hoàng, Ly còn thường tìm đến nhảy múa - bộ môn nghệ thuật mà Gen Z yêu thích. Được biết, nữ sinh "cảm nắng" với bộ môn nhảy từ khi còn học lớp 2 và vẫn duy trì cho đến thời điểm hiện tại. Nhảy giúp Ly giải phóng cơ thể, thoát khỏi những lo âu, áp lực, được là chính mình và tự do làm những điều mình thích.
Ngoài ra, cô bạn còn chơi đàn tranh - một loại nhạc cụ dân tộc rất đặc biệt và thú vị. "Đàn tranh giúp mình rèn luyện tính kiên nhẫn và cẩn thận trong từng nốt nhạc, ngoài ra cũng giúp mình giải tỏa căng thẳng với con chữ", nữ sinh tâm sự.
"Dám sai" để "dám sửa" và "dám trưởng thành"
"Kiên nhẫn", "dám đối diện với thử thách", "luôn biết cách giải tỏa những căng thẳng"... cũng chính là những từ khóa mà nữ sinh muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh đang nuôi trong mình giấc mơ du học. Nhìn lại hành trình vừa qua, dù nhiều lúc cũng thấy nản lòng, nhưng Ly luôn cảm thấy tự hào vì bản thân đã luôn "kiên trì" để "đối diện với những thử thách".
Theo Ly, đây chính là những "đặc quyền" của tuổi trẻ: Dám sai - dám sửa - dám trưởng thành: "Mình nghĩ không chỉ riêng mình đâu, mà đây là trải nghiệm 'có 1-0-2' của nhiều Gen Z khác ở giai đoạn ôn thi cuối cấp. Đôi khi nó còn là 'đặc quyền' của giới trẻ để chúng mình ngày càng trưởng thành hơn", Ly nói.
Ở một diễn biến khác, với tư duy học chưa bao giờ là đủ, hiện tại Ly đang dự định tham gia một số khoá học chuẩn bị cho lộ trình du học sắp tới của như: lớp học nấu ăn, lớp pha chế, lái xe,... và các lớp phục vụ cho chương trình học.
Bên cạnh đó, Ly cũng dành thời gian đi làm gia sư, không chỉ muốn giúp đỡ các các bạn học sinh mà đồng thời cũng để tích luỹ kinh nghiệm làm việc, trao đổi, giao tiếp cho bản thân. Đặc biệt, Ly mong muốn dành nhiều thời gian cho gia đình, họ hàng và bạn bè - những người đã luôn đồng hành cùng nữ sinh trong suốt những năm cấp 3 để có những kỉ niệm đáng nhớ bên người thân.
Chia sẻ về dự định tương lai, Ly dự định chọn theo học ngành Business Analytics (Phân tích kinh doanh), trường University of Wollongong (Úc): "Mình tin sự lựa chọn này sẽ mang đến cho mình đủ các yếu tố: môi trường, học thuật, kỹ năng, mối quan hệ,... và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của mình sau này tại nước Úc xinh đẹp".
Ảnh: NVCC
Đời sống và pháp luật