Viết cho người trẻ: Lợi dụng tật xấu của sếp để chơi game, lưới Facebook trong giờ làm - chính bạn đã phá huỷ sự nghiệp của mình
Thay vào đó, tại sao bạn không "khai thác" thế mạnh của sếp để nâng tầm năng lực bản thân?
- 01-05-2020Đi hết 1/3 cuộc đời, tôi chợt nhận ra mình đã lãng phí hơn 30 năm chỉ để than vãn: Khi yêu mọi thứ đang có, chúng ta có mọi thứ mình cần
- 01-05-2020Sống tiêu cực là một lựa chọn, người khôn ngoan ắt biết thay đổi: Chọn sai có thể chọn lại nhưng sống một cuộc đời đầy hận thù là "đâm đầu" vào ngõ cụt!
- 01-05-20209 dấu hiệu nguy hiểm nếu gặp bạn cần phải đi viện cấp cứu ngay dù đang trong mùa dịch COVID-19
- 01-05-20203 điều giúp bạn đánh tan căng thẳng công việc khi đi làm sau thời gian cách ly: Cách làm đơn giản nhưng ít người để ý!
Tôi nhận thấy có một điều, đó là phần lớn con người ở Việt Nam mang tính thiện nhưng lại khác nhau ở nhận thức. Vì thế, những cá nhân đó thường hay xảy ra bất đồng quan điểm, căng thẳng bị đẩy lên cao trào và rồi chúng ta bỗng nhiên đối địch nhau, coi nhau như quân thù quân hằn. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp các bạn nhân viên chửi sếp của mình, người sếp cũng rủa xả nhân viên mà thực ra nếu nhìn sâu vấn đề, cả 2 đều là nạn nhân.
Tâm lý của mỗi bên (sếp sử dụng lao động và người đi làm), đâu đó chúng ta đều ngầm hiểu được. Ông sếp thì muốn nhân viên làm việc nghiêm túc, đóng góp cho công ty để công ty phát triển, làm ăn ra lợi nhuận. Bạn nhân viên thì muốn có một chỗ làm thoải mái, thu nhập ổn để trang trải cuộc sống, có tương lai sáng, được thăng tiến lên vị trí cao hơn, có nhiều tiền hơn. Đó đều là những mong muốn chính đáng.
Và rồi tiếp đến, trong mỗi con người lại thường nảy sinh cái "tham lam": ông sếp lúc này muốn nhân viên lương vẫn như vậy, nhưng phải đem về hiệu quả nhiều hơn nữa (doanh nghiệp thu nhiều tiền hơn), có lúc lại thấy bạn nhân viên kia được trả lương có vẻ cao mà làm việc không thấy hiệu quả mấy, muốn giảm lương bạn này; người nhân viên thì vào công ty một thời gian rồi bắt đầu muốn mình được thoải mái hơn, tranh thủ làm việc này việc kia (việc riêng, không đóng góp cho kết quả kinh doanh của công ty) trong giờ làm, muốn tiền nhiều hơn mà lại nhàn tay nhàn óc… Dần dần mâu thuẫn căng thẳng leo thang.
Bạn có tin không, trong một trận xích mích giữa 2 bên bất kỳ, nếu bạn là người ngoài cuộc thì đều sẽ thấy mỗi bên có cái lý của họ bởi họ đều là nạn nhân.
"Anh ấy giao cho em việc này mà chẳng nói rõ, em làm xong anh ấy không vừa ý, bắt làm lại từ đầu."
"Đúng ra bạn ấy phải tự biết đó là trách nhiệm công việc của mình, thấy vấn đề là lao vào xử lý, giờ để việc nó vỡ ra thế này rồi lại chối đây đẩy."
"Bạn kia mới vào, đã làm được việc gì đâu mà lương cao hơn cả em."
"Mình trả lương cho nhân viên cao hơn hẳn công ty kia, thế mà cứ ngồi đấy so bì cạnh khoé nhau, chẳng chịu làm việc nên hồn."
"Hồi trước chị ấy hứa thưởng này thưởng nọ, oai lắm, đến giờ xong rồi chả thấy đâu, toàn tính quịt quyền lợi nhân viên."
"Lúc phỏng vấn thì mạnh mồm, nói rằng mình trách nhiệm, chịu được áp lực, đến khi vào việc tìm đủ lý do thoái thác, đùn đẩy công việc, giao 10 làm được 3, mà 3 còn xộc xệch cẩu thả."
...
Mấu chốt ở đây, theo cá nhân tôi, đó là nếu bạn hiểu được góc nhìn của mỗi phía, và gỡ được những xích mích, sắp xếp được vấn đề thì công việc, sự nghiệp của bạn sẽ rộng thênh thang. Con người thường thích mình đóng vai nạn nhân để được người khác thông cảm mà, nhưng bạn thử nghĩ xem, nếu bạn xoay chuyển để mình trở thành 'superman', cuộc chơi nằm trong tay bạn sẽ vui hơn là chờ sự thông cảm, thương hại của cuộc đời chứ!
Ở trên tôi đã nhắc tới, đa phần con người là lương thiện, nhưng có nhiều tật xấu. Mỗi vị sếp một tính, nên tật xấu mỗi người lại khác nhau. Thường thì các bạn nhân viên biết rõ tật xấu của sếp mình lắm, bạn chỉ cần để ý một chút trong công việc, ứng xử của sếp là biết được ngay. Quan trọng là sau khi bạn biết được rồi, bạn sẽ làm gì để thuận tiện cho sự nghiệp của mình?
Sẽ có người lợi dụng tật xấu của sếp để cho phép chính người đó trục lợi. Chẳng hạn, gặp sếp ẩu thì nhân viên làm việc qua loa, gặp sếp không quản lý chặt thời gian thì nhân viên tranh thủ lướt Facebook, chơi game, xem YouTube trong giờ làm. Có người lợi dụng tật xấu của sếp để làm vũ khí, thỉnh thoảng khiến sếp "giật nảy mình". Bạn có nhận thấy rằng nếu làm theo cách đó, nhất thời trước mắt bạn sẽ có cảm giác thoải mái, sung sướng không?
Nhưng bạn hãy lưu ý, như vậy chính là bạn đang tạo thêm tật xấu cho chính bản thân. Chẳng hạn, bạn này trước đây có thời gian dài chuyên đi "khai thác" tật xấu của sếp: làm được vài phút lại lướt mạng xã hội, sếp quay đi là bật game lên chơi, bật phim lên xem, gặp công việc hơi phức tạp một chút là kêu stress, ca thán. Bạn hãy nhớ rằng cám dỗ dễ vướng vào, khó bỏ, nó nguỵ trang khéo đến mức mà bạn tưởng rằng đó là điều hiển nhiên.
Tôi tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ Việt Nam, biết được rằng các bạn đều rất thông minh, nhanh trí nhưng trong ngắn hạn.
Nói đến suy nghĩ về dài hạn, hay thường được gọi là người có đầu óc. Nếu như phần trên đã nói về tật xấu của sếp, thì phần tiếp tôi sẽ nói về điểm mạnh của họ. Một điểm chung, tôi thấy ở nhiều sếp, đó là họ có suy nghĩ dài hạn. Một số "sếp con mới nổi" hoặc "nổi do ăn xổi" có thể không mạnh ở khoản này, còn lại những sếp nào trụ được ở thương trường chục năm trở lên họ đều có suy nghĩ dài hạn.
Nếu bạn không tin, tôi đố bạn cầm tiền ra mở 1 công ty, nuôi sống được chỉ cần 10 người nhân viên, trong vòng 10 năm mà không phải suy tính dài hạn đấy. Sau đó, khi bạn đã biết ít nhất 1 điểm mạnh của sếp bạn, bạn lại tiếp tục một câu hỏi rất đơn giản "Khai thác thế mạnh của sếp thế nào để tốt cho sự nghiệp của bạn?".
Tôi vốn dùng những từ như "lợi dụng", "khai thác" khi đề cập tới tật xấu hoặc điểm mạnh của các sếp vì tôi muốn các bạn luyện được tư duy trước mỗi việc, các bạn phải bật ra ngay "mình sẽ dùng những thông tin này thế nào để có ích cho bản thân nhỉ?". Đây cũng là điều mà chính tôi đã học được từ nhân viên của mình ngày trước.
Đa phần tôi thấy các bạn nhân viên khi biết được một điều gì đó liên quan tới sếp của mình thì lại thường hay nương theo hướng thoải mái ngắn hạn như tranh thủ làm việc riêng, để đồ đạc, tài liệu bừa bãi, du di thời hạn công việc, ỷ lại vào sếp. Quá trình này diễn ra rất tự nhiên, tới mức bạn không nhận ra.
Tôi biết một công ty, sếp trẻ và năng động, thông minh. Các bạn nhân viên ở đó biết rõ sếp giỏi nghiệp vụ nên cứ động một chút vấn đề là kệ, để đấy, chờ sếp ra quyết định, ông sếp này cũng tưởng như vậy là hay, là tạo chỗ dựa cho các bạn nhân viên. Việc này diễn ra nhiều năm liền khiến nhân viên cũng không nhận ra rằng họ đang dựa dẫm vào sếp. Chính điều đó đã khiến doanh nghiệp đưa các bạn nhân viên vào cửa tối.
Lẽ ra, với những nhân viên có nền tảng tốt như vậy (đa số đều tốt nghiệp đại học đầu bảng ở Việt Nam, gần một nửa thậm chí còn là thạc sỹ, du học sinh từ các nước phát triển), sau ngần đó năm cống hiến, ngoài nghiệp vụ cơ bản ra, mỗi nhân viên phải được rèn luyện sự linh hoạt và khả năng chủ động. Rất tiếc, khi tôi tiếp cận với doanh nghiệp đó, nhiều bạn nhân viên đã qua tuổi 30, khả năng học hỏi bắt đầu bị giảm, thay vào đó là sự trì trệ, tâm lý hưởng thụ. Những bạn nhân viên đa phần đó chỉ có thể làm tốt ở doanh nghiệp hiện tại, nếu bị chuyển sang môi trường khác, khả năng thích nghi của các bạn ấy rất kém.
Chúng ta thấy rằng có sếp giỏi, đối xử nhẹ nhàng với nhân viên, trước mắt thích thật đấy, nhưng ẩn đằng sau đó là tương lai nhạt nhoà. Tôi cho rằng có những cách thông minh hơn để "khai thác" thế mạnh của sếp. Tôi biết một câu chuyện cách đây chục năm, một bạn nhân viên ở vị trí trưởng nhóm gõ cửa phòng sếp và đưa ra đề nghị "Em đánh giá mảng kinh doanh mới này tiềm năng, đây là số liệu phân tích của em về thị trường, tính khả thi, kế hoạch kinh doanh mảng sản phẩm mới. Em đề nghị công ty triển khai mảng mới này, em sẽ làm giám đốc dự án, đồng thời xuống tiền X trăm triệu. Lợi nhuận kinh doanh sau khi trừ đi các chi phí, em sẽ lấy Y%, công ty Z%.".
Sếp của bạn sẽ có rất nhiều "chiêu trò", điều này chắc chắn luôn. "Chiêu trò" của sếp nếu gọi đúng tên sẽ là "các kỹ thuật quản lý nhân sự", thường có 2 loại: kỹ thuật đúng với luật và kỹ thuật trái luật. Ví dụ cho dễ hiểu: bạn nhắn tin cho trưởng phòng xin nghỉ nửa buổi, trưởng phòng đồng ý. Sau đó bạn thấy rằng sếp vẫn tính công cho bạn trong buổi nghỉ vì sếp rất tin tưởng bạn, sếp báo với hành chính rằng bạn ra ngoài để làm việc với đối tác. Bạn vui đúng không, thấy rằng trưởng phòng của mình tâm lý? Anh ta vừa làm trái luật đấy, đó là kỹ thuật cố tình bẻ luật để lấy thiện cảm cấp dưới.
Trong quá trình quản lý phòng ban hoặc cả công ty, người quản lý dùng kỹ thuật liên tục, đôi khi là một lời răn đe, đôi khi là một câu động viên, gửi email cho bạn, tổ chức họp giao ban... Tôi tiếp xúc với nhân lực của một số nước, và cá nhân tôi đánh giá rằng sự thông minh của người Việt Nam cao hơn nhiều nước khác. Trong khi một bạn ngoại quốc kiếm 1 tháng 2000-3000 USD thì bạn Việt Nam kiếm được 500-700 USD. Các bạn có thể có lý do của riêng bạn, còn tôi, tôi thấy rằng chúng ta đang tự đánh mất 1500-2300 USD mỗi tháng mà ko nhận ra.
Lời cuối tôi muốn nói, sự nghiệp của các bạn có sáng lên chút nào hay không, điều đó tuỳ thuộc vào bạn.
Chúc các bạn thành công!
Trí Thức Trẻ