MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao nếu tranh chấp thương mại Mỹ - Trung kéo dài?

Trong cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, những rủi ro lớn đối với Việt Nam là rủi ro gián tiếp, đặc biệt là nếu tranh chấp thương mại leo thang và kéo dài trên 6-9 tháng.

Những rủi ro gián tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam xuất phát từ việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại; Mỹ áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tỷ lệ đóng góp hàng hóa trung gian nhập từ Trung Quốc cao; Xuất khẩu sang các nền kinh tế trong khu vực chịu tổn thương từ tranh chấp thương mại chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan kém đi; và rủi ro tỷ giá tăng nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên còn đồng nhân dân tệ (CNY) tiếp tục yếu đi.

Ảnh hưởng trước mắt là không lớn

Có 3 nhóm hàng xuất khẩu lớn gồm: hàng hóa cơ bản, hàng hóa trung gian và thành phẩm. Ảnh hưởng trực tiếp chính đối với các nền kinh tế trong khu vực (ngoại trừ Trung Quốc) là hoạt động xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc để sản xuất thành phẩm xuất khẩu sang Mỹ.

Đây là lý do các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đã thể hiện sự lo ngại lớn đối với việc Mỹ muốn tiếp tục đánh thuế 10% vào 200 tỷ  USD hàng hóa của Trung Quốc.

Trong khi đó tác động này đối với Việt Nam nhẹ hơn nhiều vì xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc để sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm dưới 0,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), trong 35,4 tỷ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD hàng hóa trung gian sang Trung Quốc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó các mặt hàng như thiết bị điện, quang học, dệt may, da, giày dép chiếm tỷ trọng lớn.

Nếu nhìn vào danh mục 1.102 sản phẩm nằm trong 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 25% lần đầu và 6.000 sản phẩm nằm trong 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc tiếp theo bị Mỹ áp thuế 10%, có thể thấy:

Trong 50 tỷ USD hàng hóa bị đánh thuế đầu tiên, những mặt hàng sau có tỷ trọng lớn: Thiết bị điện và quang học, máy móc thiết bị; Thiết bị vận chuyển; Hóa chất và khoáng sản phi kim.

Trong 200 tỷ USD bị đề xuất áp thuế đợt 2, bao gồm thêm những mặt hàng: Dệt, sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu giả định xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 30%, HSC ước tính xuất khẩu hàng hóa trung gian của Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm tương ứng khoảng 400 triệu USD, bằng 0,8% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và bằng 0,19% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong kịch bản khả dĩ nhất, nếu giả định xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ (505 tỷ USD) giảm khoảng 10% (tương đương giảm 50,5 tỷ USD, bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc), HSC ước tính xuất khẩu hàng hóa trung gian (linh phụ kiện) của Việt Nam sang Trung Quốc (để sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ) có thể giảm tương ứng khoảng 123,6 triệu USD (bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và bằng 0,06% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao nếu tranh chấp thương mại Mỹ - Trung kéo dài? - Ảnh 1.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có tác động đến các nước khác


Ảnh hưởng lớn hơn nếu tranh chấp kéo dài

Theo nhận định của HSC, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp với mức độ lớn hơn nếu tranh chấp kéo dài. Tác động này thể hiện qua việc xuất khẩu sang Trung Quốc có thể chậm lại nếu nền kinh tế của nước này cũng tăng trưởng chậm lại; Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ với giá trị thành phần từ Trung Quốc lớn có thể bị áp thuế trong tương lai, kéo theo ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc do xuất khẩu của các nước này sang Trung Quốc và thậm chí là sang Mỹ gặp khó khăn;…

Cụ thể các ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế Việt Nam:

Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại do xuất khẩu giảm, nhu cầu nội tại của nước này cũng suy yếu, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, trong đó có Việt Nam giảm.

Rủi ro này là rất rõ ràng, nhất là khi Việt Nam và Trung Quốc có cơ cấu xuất khẩu giống nhau với tỷ trọng lớn là điện thoại di động và linh kiện, dệt may, máy tính, hàng điện tử, phụ tùng và linh kiện.

Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2017 là 35 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. So sánh với năm 2008 và 2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc lần lượt tăng 33% và 11% mặc dù năm 2008 xảy ra khủng hoảng tài chính.

Với lo ngại hàng hóa Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các nước khác để tránh mức thuế cao, Mỹ có thể lựa chọn áp thuế cao hơn đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu của OECD, các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Mỹ với giá trị hàng hóa trung gian từ Trung Quốc lớn gồm:

Dệt may, sản phẩm may mặc, da và giày dép – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ: các thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 15,28% hàng dệt may, sản phẩm may mặc, da và giày dép xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Thiết bị điện tử và điện quang: các thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 18,82% thiết bị điện tử và điện quang xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Sản phẩm hóa chất và khoáng sản phi kim loại – thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 12,05%.

Máy móc và thiết bị: thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 17,85%.

Gỗ, giấy, sản phẩm từ giấy, in ấn và xuất bản: thành phần xuất xứ Trung Quốc chiếm khoảng 8,81%.

Theo Hiền Anh

Infonnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên