Việt Nam chỉ xếp thứ 15 về dân số, thứ 68 về diện tích nhưng xếp thứ 4 về rác thải nhựa trên toàn thế giới
Dự báo đến 2025, nhóm nghiên cứu của Bộ TNMT cho biết Việt Nam có khả năng vẫn tiếp tục đứng thứ 4 về rác thải nhựa.
- 12-11-2019New York Times: Quần áo của bạn đang ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu ra sao?
- 10-10-2019Từ 'vua' đồng nát đến cơ hội tỷ USD nhờ kinh tế tuần hoàn
- 13-09-2019Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Kinh tế "vườn ao chuồng" của cha ông chính là kinh nghiệm cho kinh tế tuần hoàn
Kể từ năm 2019, Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TNMT) đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn để đề xuất đưa các nội dung phát triển kinh tế tuần hoàn vào trong Chiến lược phát triển Kinh tế Xã hội Việt Nam 2020-2030. Ngày 12/11, Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại Việt Nam – từ kinh nghiệm của Thụy Điển”.
Nhóm nghiên cứu của Bộ TNMT cho biết tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn sáng ngày 12/11: Hầu như các mô hình phát triển kinh tế trước đây, Việt Nam đi theo mô hình kinh tế tuyến tính và gây ra áp lực rất lớn với tài nguyên. Chất thải rắn cũng đang là một vấn đề rất cấp thiết. Từ 2016-2050, dự báo chất thải rắn của Việt Nam sẽ tăng lên gấp đôi, trong đó lượng chất thải rắn đô thị chiếm từ 10-16%.
Tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Với 13 triệu tấn chất thải thải ra biển mỗi năm, Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới và thứ 5 châu Á về ô nhiễm chất thải nhựa đại dương, thải ra hơn 500.000 tấn mỗi năm vào đại dương.
Đặc biệt, đại diện nhóm nghiên cứu của Bộ cho biết: Việt Nam mặc dù chỉ chỉ xếp thứ 15 về dân số, thứ 68 về diện tích nhưng xếp thứ 4 về rác thải nhựa trên toàn thế giới. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam vẫn tiếp tục đứng thứ 4.
World Bank từ năm 2016 đã ước tính Việt Nam đã mất khoảng 5,18% GDP vào năm 2013 do ô nhiễm không khí gây ra các thiệt hại về sức khỏe. Dự báo ô nhiễm nước mới nhất của World Bank năm 2019 cho biết ô nhiễm nước có thể gây ra thiệt hại 3,5% GDP cho Việt Nam. Nếu như không có các biện pháp để thay đổi cách thức tiêu dùng tài nguyên và xử lý rác thải như hiện nay, thì biến đổi khí hậu có thể gây ra thiệt hại 11% GDP năm 2030.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm hình thành nên ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của kinh tế tuần hoàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao là đầu mối để quản lý, thống nhất về chất thải rắn trong cả nước tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ.
Gần đây đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO). Các điển hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện về kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nhân, thách thức với Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng. Người dân và cả doanh nghiệp còn thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần.
"Chúng ta không nên xem các vấn đề môi trường như là biến đổi khí hậu hay rác thải một cách riêng lẻ mà cần phải nhìn các vấn đề trong một tổng thể thống nhất. Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần phải đạt được mô hình kinh tế tuần hoàn mở trong đó không chỉ là vấn đề tái chế, tái sử dụng mà còn phải tính cả tác động của carbon trong nguyên liệu và sản xuất. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải có cái nhìn xa hơn là sản phẩm để giải quyết những tác động của việc kinh doanh" - Ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc Điều hành Tetra Pak - một công ty thuộc Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam cho biết.